“Vì là gia đình nên không sao?”

Hãy phá vỡ nhầm tưởng về gia đình

17,812 lượt xem

Gia đình là tập thể đầu tiên nhóm lại các thành viên có giới tính và độ tuổi khác nhau. Nếu không nỗ lực và đối xử với nhau cách chân thành thì mối quan hệ có thể trở nên khó khăn. Nhầm tưởng về gia đình mà hầu hết mọi người đều có là nghĩ rằng mối quan hệ gia đình có thể tự duy trì mà không cần nỗ lực. Mọi người cho rằng vì là gia đình nên không cần thể hiện tốt làm gì cả, chỉ cần đối xử thoải mái như vốn có là được. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ thì có thể thấy rằng những mâu thuẫn lớn nhỏ khiến chia rẽ gia đình thường xảy ra là vì cư xử với nhau quá thoải mái.

Trong tháng này, hãy tìm hiểu những nhầm tưởng về gia đình thường dễ vô tình mắc phải và củng cố mối quan hệ gia đình hơn nữa. Gia đình là tồn tại rất quý trọng luôn ở bên cạnh chúng ta và có ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải tập trung cố gắng hết sức để mối quan hệ trở nên tốt đẹp.

Nhầm tưởng 1 – Vì là gia đình nên dù không nói thì cũng hiểu

“Không nói thì cũng hiểu mà!” là bài hát quảng cáo rất nổi tiếng mà nếu là người Hàn Quốc thì ai cũng từng nghe ít nhất một lần. Dù có hiệu quả quảng cáo rất tốt nhưng trong lời bài hát này có một chút vấn đề. Bởi có thân thiết đến thế nào chăng nữa thì cũng không thể hiểu được 100% tấm lòng của đối phương. Suy nghĩ “vì là gia đình nên đương nhiên dù không nói thì cũng hiểu” thật là sự nhầm tưởng rất lớn.

Bầu không khí trong gia đình coi tình yêu thương và sự hy sinh vì gia đình là đương nhiên và chẳng bao giờ nói ra khỏi miệng, với gia đình thường biểu hiện tấm lòng bằng những lời như “bố/mẹ yêu con, con yêu bố/mẹ”, “cảm ơn”, “xin lỗi”, “không sao”, “làm tốt lắm”,… là hoàn toàn khác nhau. Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người dễ dàng thể hiện cảm xúc tiêu cực với gia đình nhưng lại không thể biểu hiện cảm xúc tích cực. Thế nhưng, là con người thì ai cũng muốn nghe những lời tích cực. Nếu có suy nghĩ rằng “nhất thiết phải nói sao?” thì có thể không nói lời đáng phải nói mà cứ để cho qua, nên dù ban đầu có chút ngại ngùng nhưng hãy tập thói quen nói ra những suy nghĩ trong lòng.

Càng kỳ vọng rằng vì là gia đình nên dù tôi không nói thì người thân vẫn hiểu hết tấm lòng của tôi, sẽ khiến nỗi thất vọng càng lớn khi không được đáp ứng kỳ vọng ấy.

“Anh không hiểu tấm lòng của vợ mình thì sao đáng gọi là chồng được?”

“Con đã tin là mẹ hiểu hết tấm lòng của con!”

“Mẹ phải nói thì con mới hiểu hay sao?”

Như vậy, lời thốt ra xen lẫn sự oán trách là bởi kỳ vọng lớn đến mức đó. Việc đặt kỳ vọng vào những người thân thiết là đương nhiên. Nhưng trong cuộc sống, dù là gia đình thì chắc chắn sẽ vẫn có những tình huống không như ý. Khi phát sinh mâu thuẫn ngoài ý muốn, cần phải linh hoạt thay đổi mức độ kỳ vọng của bản thân vào đối phương, và giải quyết vấn đề qua trò chuyện. Tuy người ta nói rằng gia đình là mối quan hệ dù không nói mà chỉ nhìn ánh mắt thôi cũng hiểu nhau, nhưng càng thể hiện nhiều cảm xúc và trò chuyện thường xuyên thì tình yêu thương và niềm hạnh phúc sẽ càng lớn hơn.

Nhầm tưởng 2 – Vì là gia đình nên sẽ hiểu cho thôi

Như đã nói ở trên, người ta dễ dàng nghĩ rằng gia đình là mối quan hệ được kết nối bởi huyết thống và tình yêu nên không cần phải nỗ lực đặc biệt. Tuy nhiên, vấn đề là mọi người thường thừa nhận đó là tình yêu khi đối phương làm theo ý mình. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng vì là gia đình nên đương nhiên phải chịu bực bội và bất mãn của mình.

Cách đây không lâu, Hội đồng quảng cáo công ích Hàn Quốc đã có một quảng cáo với chủ đề là “Gia đình đối nội đối ngoại bất nhất”. Nội dung của quảng cáo như sau. Người chồng chu đáo với các nhân viên dưới quyền nhưng cộc cằn với vợ, người mẹ rất niềm nở với khách hàng nhưng lạnh nhạt với con trai, con trai rất hoạt bát khi ở bên bạn bè nhưng ủ rũ khi ở cùng bố, con gái thân thiện khi ở công ty nhưng vô tâm khi ở nhà. Sau khi lần lượt cho thấy gia đình có hai hình ảnh thế này, họ đã hỏi người xem rằng: “Quí vị có phải là người đối nội đối ngoại bất nhất hay không?”.

Bao nhiêu người có thể tự tin trả lời là “không” đối với câu hỏi này? Liệu đó có phải là lý do có câu nói “ở nhà hãy làm bằng nửa phần mà mình đã làm với người khác” chăng? Trái ngược với sự tử tế đối với bạn bè hoặc đồng nghiệp, đôi khi chúng ta cư xử gắt gỏng, cục cằn với gia đình mình. Ấy là hành động sai lầm xuất phát từ suy nghĩ vô tâm rằng “Vì thân cận nên sẽ hiểu cho tôi thôi”. Hãy thử nghĩ xem nếu ai đó trong gia đình làm bản thân khó chịu bởi suy nghĩ thể này, thì mình có thể chấp nhận điều đó vô điều kiện bằng tấm lòng rộng lượng hay chăng.

Mặc dù gia đình là mối quan hệ dựa trên sự tín nhiệm nhưng để giữ gìn mối quan hệ ấy thì các thành viên trong gia đình cần phải không ngừng nỗ lực. Sau đây là điều cuối cùng mà quảng cáo ở trên nói với gia đình đối nội đối ngoại bất nhất.

“Dù ở nhà cũng hãy cho mọi người thấy hình ảnh đối ngoại đẹp đẽ của quý vị!”

Nhầm tưởng 3 – Chẳng có lời nào là không thể nói với gia đình

“Giảm cân chút đi!”

“Cái này mà cũng không biết à?”

“Thôi, phải hiểu thì hẵng nói chứ!”

“Tại em mà chẳng được việc gì!”

Lời nói vô tâm mà những người thân yêu thốt ra có thể là lời cay nghiệt nhất chúng ta từng phải nghe trong đời. Gia đình là những người yêu thương và quý trọng lẫn nhau nhất, nhưng cũng là những người mang lại nhiều nỗi đau nhất.

Khi nói chuyện cùng người khác thì còn lo lắng rằng “nếu nói thế này thì người đó có bị tổn thương không?”, nhưng lúc trò chuyện cùng gia đình thì nhiều khi lại không ngần ngại thốt ra bởi nghĩ rằng sẽ được dung thứ cho hết thảy. Dù đã nói lời quá đáng nhưng lại biện minh cho sự lỗ mãng của bản thân rằng chỉ nói đùa thôi, thậm chí có lúc bản thân đã sai rành rành nhưng lại nói người khác là “sao hẹp hòi thế”.

Tại sao cùng là một câu nói khiến buồn lòng nhưng khi nghe từ gia đình lại thấy đau đớn và chạnh lòng hơn nhiều khi từ người khác? Vì đã yêu thương và tin tưởng gia đình hơn bất cứ ai. Bởi vậy, chúng ta phải để ý tỉ mỉ hơn đến tâm trạng, tình huống gặp phải, tính cách,… của người thân khi nói chuyện. Giống như câu nói “tha thứ cho kẻ thù dễ hơn nhiều so với tha thứ cho bạn bè”, thật khó để chữa lành tổn thương mà người thân cận gây ra.

Giống như việc thay quần áo thoải mái trước tiên khi vừa về nhà, ai cũng muốn giải tỏa căng thẳng lúc ở nhà. Khi ở trong trạng thái không hề phòng vệ như vậy, nếu trút giận hoặc biểu lộ cảm xúc không chọn lọc trước bởi suy nghĩ “có lời nào mà không thể nói với gia đình chứ?”, thì sẽ để lại vết thương chí mạng hơn nữa. Lời mà không thể nói với người khác và phải nín ở trong lòng, thì cũng phải tránh nói với gia đình.

Nhầm tưởng 4 – Lịch sự với gia đình là gì chứ…

Khi gặp người nào đó vì công việc, thì chúng ta nỗ lực dưới danh nghĩa làm hài lòng khách hàng bằng cách xác nhận lại thời gian hẹn trước khi hẹn và nếu cảm thấy sẽ thất hứa hoặc không thể đến đúng hẹn thì sẽ gọi điện hoặc gửi email trước. Tuy nhiên, lại cư xử như thế nào với gia đình thân cận? Dù đã hứa hẹn nhưng do bất khả kháng mà thất hứa thì chỉ nói “Chẳng còn cách nào khác chứ sao. Có thế thôi mà cũng…” và coi chẳng đáng là gì.

Trên thực tế, lý do người chủ gia đình ưu tiên công việc cũng là vì gia đình yêu quý, nhưng những gì trở lại chỉ là oán trách nên mới thấy uất ức. Tuy nhiên, nếu không phải cố ý thất hứa, thì phải giải thích kỹ lưỡng về hoàn cảnh và xin thông cảm trước để không đánh mất sự tín nhiệm từ gia đình.

Gia đình là nơi các thành viên chung sống, đùm bọc lẫn nhau bằng tình yêu thương và thân ái, đồng thời cũng là nơi học hỏi nếp sống cơ bản của đời sống xã hội và nuôi dưỡng nhân cách. Theo đó, khi tôn trọng lẫn nhau và giữ lễ tiết cơ bản trong gia đình thì có thể tạo nên gia đình hòa thuận và tiến đến đời sống xã hội tươi sáng, vui mừng.

Mặc dù sống thoải mái với gia đình cũng tốt nhưng nếu suồng sã quá mức thì có thể dẫn đến bất hòa. Trong tiếng Hàn có câu nói “Càng thân cận thì càng phải giữ lễ tiết” và trong tục ngữ tiếng Anh có câu “Familiarity breeds contempt (Thân quá hóa nhờn)”. Khổng Tử cũng dạy rằng “Hãy cư xử lịch sự với gia đình. Đây là cái gốc làm người”.

Hình ảnh vốn có của một người được hiện rõ trong gia đình. Cư xử lịch sự với người khác trong khi không giữ lễ tiết với gia đình thì ấy chỉ là lịch sự cho người ta thấy mà thôi. Người thực sự lịch sự là người hết sức lễ phép với gia đình thân cận trước nhất.

Đừng lấy suy nghĩ “vì là gia đình” như cách để hợp lý hóa bản thân, mà phải lấy sự ấy làm nền móng để gây dựng ngôi nhà hạnh phúc, hòa thuận. Vì là gia đình nên biểu hiện nhiều hơn, vì là gia đình nên cư xử tử tế hơn, vì là gia đình nên đừng làm tổn thương, và vì là gia đình nên giữ lễ tiết tốt hơn. Nếu làm được như thế thì sẽ trở nên gia đình dù phong ba thổi mạnh đến thế nào cũng không hề lay động.

Tham khảo
한국형 대화의 기술 (Kỹ năng đối thoại kiểu Hàn Quốc), tác giả Lee Jeong Suk
젊은 그녀 전쟁터를 즐겨라 (Hỡi các cô gái, hãy tận hưởng chiến trường), tác giả Cha Young