Tình Yêu Thương của Đức Chúa Trời

53,184 lượt xem

Đức Chúa Trời giáo huấn chúng ta rằng “Hãy vui mừng mãi mãi.”, “Phàm sự gì cũng phải tạ ơn Chúa.” Sở dĩ chúng ta phải vui mừng mãi mãi, phàm sự gì cũng phải tạ ơn Chúa, ngay cả trong hiện thực thời đại càng biến đổi và phát triển thì càng ảm đạm này, là vì có tình yêu thương vô tận của Đức Chúa Trời, là Đấng không bỏ chúng ta đang sống trong tội ác, mà hằng ngày đang rửa sạch tội ác và lỗi lầm của chúng ta, hầu cho chúng ta được biến hóa mới.

Cùng sinh hoạt đức tin, song có người không vui mừng, cũng không cảm tạ, lại cũng có người vui mừng khôn xiết với dù là điều nhỏ nhất và cảm tạ trong tất thảy mọi việc. Điều này bắt nguồn từ sự khác biệt trong sự nhận biết. Là người không nhận biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời thì thật khó mà cảm tạ trong mọi sự. Song, đối với người nhận biết ra tình yêu thương của Đức Chúa Trời, thì vui mừng mãi mãi và cảm tạ trong mọi sự là công việc đương nhiên và quá dễ dàng.

Đức Chúa Trời luôn đồng hành cùng

Đức Chúa Trời đã cử đến biết bao nhiêu người để dẫn dắt chúng ta đi vào Nước Thiên Đàng đây? Tất thảy những người mà chúng ta gặp gỡ cho đến nay, đều là những người truyền lệnh mà Đức Chúa Trời cử đến, đôi khi đóng vai trò thử thách, đôi khi đóng vai trò giúp đỡ, trong quá trình chúng ta được dẫn dắt đến lẽ thật. Chỉ có điều là chúng ta đã sống mà không nhận ra sự thật này thôi.

Chúng ta, những người được nhận lẽ thật của sự cứu rỗi, đã được yêu mến Đức Chúa Trời trong khi hiểu biết từng một tình yêu thương của Đức Chúa Trời thông qua lời và sinh hoạt đức tin, thường xuyên nghĩ tới Đức Chúa Trời nhiều hơn trước đây, và đang cảm tạ lên ân huệ của Đức Chúa Trời. Song, thời gian chúng ta suy nghĩ tới Đức Chúa Trời chỉ là một phần rất nhỏ của 24 tiếng đồng hồ trong một ngày, thì Đức Chúa Trời không hề quên chúng ta dù là một giây phút nào, và luôn gìn giữ chúng ta bởi tình yêu thương và sự quan tâm vô hạn.

Hồi trước, khi thăm viếng Hội Thánh địa phương ở Mỹ, tôi có trông thấy một bài thơ bằng tiếng Anh có tựa đề “Footprints (Dấu chân)” được lồng vào khung treo ở đó. Bài thơ có nội dung đại lược như sau.

Có một người đã chiêm bao, mà trong giấc mơ, người ấy đã đi bộ cùng Đức Chúa Trời trên bờ biển. Trên bờ biển có hằn in dấu chân san sát nhau của hai người theo lịch trình cuộc đời nhân sinh mà người đó trải qua. Một là dấu chân của người đó, còn một là dấu chân của Đức Chúa Trời, Đấng đồng hành cùng người đó.

Thế mà, khi nhìn kỹ dấu chân thì người đó phát hiện ra rằng vào thời kỳ mà mình cực nhọc nhất, lúc thử thách và khổ nạn ập đến cuộc sống mình, thì duy chỉ dấu chân của một người được hằn in. Người đó đã trút lằm bằm lên Đức Chúa Trời.

“Thưa Đức Chúa Trời! Lúc tôi đi trên đường bằng phẳng thì Ngài đồng hành cùng với tôi, mà khi thử thách khó khăn ập đến, thì tại sao Ngài lại biến đi đâu mất? Chẳng phải Ngài càng nên ở cùng và giúp đỡ lúc tôi khó khăn hay sao?”

Thế rồi Đức Chúa Trời đã phán rằng:

“Ta đã không bỏ ngươi, mà luôn đồng hành cùng với ngươi bất cứ lúc nào. Trên con đường bằng phẳng không có bất cứ nguy hiểm nào, Ta đi bộ san sát bên ngươi, song khi nguy hiểm ập đến, thì Ta đã cõng ngươi, vượt qua núi hiểm trở, chiến đấu với tất thảy mọi thử thách mà bước đi. Dấu chân để lại lúc thử thách và khổ nạn ấy, không phải là dấu chân của ngươi, mà là dấu chân của Ta đã cõng ngươi mà bước đi.”

Thông qua bài thơ này, chúng ta có thể biết được sự thật rằng chúng ta luôn tự xưng rằng yêu mến Đức Chúa Trời, song tình yêu thương của Đức Chúa Trời hướng về chúng ta thật lớn lao đến mức không gì có thể sánh nổi. Điều khó có thể đong đếm nổi bởi suy nghĩ của loài người, chính là tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải nỗ lực và cầu khẩn hơn nữa để có thể hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của tình yêu thương ấy (Êphêsô 3:18-19).

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra bởi sự hy sinh

Trong tình yêu thương của loài người, có yếu tố ích kỷ chỉ tìm cầu lợi ích sẽ được ban cho bản thân mình. Song, tình yêu thương của Đức Chúa Trời là tình yêu thương trọn vẹn không tìm cầu bất cứ một sự đền đáp nào.

“Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy… vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta. Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!…” Rôma 5:3-11

Đức Chúa Trời đã tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta bằng cách chịu đòn roi, bị đâm bằng giáo, đổ huyết, và chết trên thập tự giá, thế cho chúng ta, là những tử tù phần linh hồn. Cho nên, Kinh Thánh đã định nghĩa rằng Đức Chúa Trời là Sự Yêu Thương.

Giống như sự sống của loài người là hữu hạn, tình yêu thương của loài người cũng không thể đời đời được. Dù là nhân tình hoặc vợ chồng yêu thương nhau đến đâu đi chăng nữa thì cũng có thể chia tay bởi sự cãi vã. Dù là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tốt đẹp đến đâu chăng nữa, thì tình yêu thương cũng có thể bị nguội dần tùy theo hoàn cảnh và tình huống xung quanh. Sở dĩ tình yêu thương của loài người không thể đời đời được là vì tình yêu thương ấy chỉ là tình yêu thương trong điều kiện giới hạn, chứ không phải là tình yêu thương ban cho vô điều kiện.

Trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời không có điều kiện. Đức Chúa Trời đã lựa chọn chúng ta mà không hề phân biệt giữa người giàu và người nghèo, giữa người tự do và đầy tớ, giữa người có của cải và người không có gì. Hơn nữa, cho tới tận ngày trở về Nước Thiên Đàng vĩnh cửu, Đức Chúa Trời đích thân ở cùng chúng ta vào tất thảy mỗi giây phút khó khăn và thử thách ập đến chúng ta, giúp chúng ta vượt qua thử thách ấy, và đang dẫn dắt chúng ta đi vào con đường Nước Thiên Đàng.

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta. Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau.” I Giăng 4:7-11

Chúng ta đang được nhận tình yêu thương thanh cao của Đức Chúa Trời mà Ngài đã tỏ ra bởi sự chết của Ngài. Nếu đã hiểu biết ân huệ ấy, thì chúng ta cũng phải học hỏi và thực tiễn tình yêu thương của Đức Chúa Trời là điều đương nhiên. Giống như Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta thể nào, chúng ta cũng hãy yêu nhau thể ấy, và hãy gắng hết sức dẫn dắt những linh hồn xung quanh chúng ta được vào trong tình yêu thương không hề thay đổi của Đức Chúa Trời.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Đấng ở cùng chúng ta luôn cho đến tận thế

Người ta thường nói như thể tình yêu thương của bản thân mình là đời đời, song không một ai nào có thể ở cùng với chúng ta luôn cho đến tận thế. Dù là con cái có lòng hiếu thảo cực kỳ đến đâu đi chăng nữa, dù là cha mẹ yêu thương con cái một cách đặc biệt đi nữa, thì cũng không thể chia sẻ tình yêu thương không thay đổi mãi mãi, cũng không thể ở cùng cho đến cuối cùng được.

Duy chỉ Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta cho đến đời đời, nên Ngài đã hứa với chúng ta rằng sẽ ở cùng với chúng ta luôn cho đến tận thế.

“Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Mathiơ 28:18-20

Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta bằng tấm lòng không hề thay đổi mà tình yêu thương của loài người không thể nào sánh nổi, và đã hứa ban cho chúng ta cả Nước Thiên Đàng vĩnh cửu nữa. Cho nên, sao mà chúng ta không vui mừng và dâng cảm tạ lên Ngài được đây?

“Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” I Têsalônica 5:16-18

Trên nền tảng niềm vui mà chúng ta cảm nhận được khi sinh hoạt đức tin, có tình yêu thương không hề thay đổi của Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ hướng về chúng ta. Những người thế gian này không có sự trông mong, nên đau buồn đối với cả sự già nua, cũng đau buồn đối với cả sự bị mắc bệnh. Đối với những người không gặp được Đức Chúa Trời, và không được nhận lời hứa Nước Thiên Đàng, thì sự già đi đồng nghĩa với sự tiến tới sự hủy diệt đời đời, nên họ không thể không tuyệt vọng và đau buồn được. Họ thấy buồn tủi và lằm bằm bất bình với kể cả những người xung quanh nữa.

Song, đối với thánh đồ nhận được lời hứa Nước Thiên Đàng, thì sự tăng thêm một tuổi đồng nghĩa với sự thời gian trở về vương quốc trên trời càng đến gần hơn nữa, nên đó là việc đáng vui mừng và hạnh phúc. Chúng ta đã tiếp nhận lẽ thật, đã được gặp Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ. Hơn nữa, Cha Mẹ đã hứa ban cho chúng ta Nước Thiên Đàng vĩnh cửu. Chúng ta có niềm vui và hạnh phúc như thế này trong khi tin vào Cha Mẹ.

Thế gian này không quan tâm tới chúng ta, song Đức Chúa Trời đang ban tình yêu thương và sự quan tâm vô hạn cho chúng ta. Thế gian này đối xử tệ bạc và bắt bớ chúng ta, song Cha Mẹ chúng ta đã nâng cao và coi chúng ta như là sự tồn tại quý báu nhất giữa thế gian này. Đây chính là lý do chúng ta luôn phải dâng cảm tạ và vinh hiển lên Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời xét đoán người lằm bằm

Vì đức tin của chúng ta thiếu thốn, nên đôi khi chúng ta không thể hiểu hết tình yêu thương vô hạn của Đức Chúa Trời, cũng có khi hiểu lầm nữa. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên mất sự thật rằng trước tất thảy mọi khổ nạn và nguy hiểm, Đức Chúa Trời luôn cõng chúng ta và đích thân Ngài giúp vượt qua mọi điều đó, và luôn đồng hành cùng với chúng ta bất cứ khi nào. Không hiểu biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời thì lằm bằm và bất bình phát sinh, còn khi hiểu biết thì sự vui mừng và cảm tạ sẽ được phát sinh.

“Hỡi anh em, vậy hãy nhịn nhục cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quí báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy nhịn nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi. Hỡi anh em, chớ oán trách nhau, hầu cho khỏi bị xét đoán; kìa, Đấng xét đoán đứng trước cửa. Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm mẫu mực về sự chịu khổ và nhịn nhục cho mình.” Giacơ 5:7-10

Chúng ta không nên quên ân huệ của Đức Chúa Trời, là Đấng đã gìn giữ chúng ta ngay cả trong nhiều tai vạ, bất hạnh và thử thách. Nếu quên mất thì lòng chúng ta sẽ bị lấp đầy bởi lằm bằm, khiến chúng ta lằm bằm đối với kể cả sự việc nhỏ nhặt nhất, rồi cuối cùng chúng ta sẽ bị xét đoán. Đức Chúa Trời đã phán rằng người lằm bằm sẽ bị xét đoán, nên chúng ta cũng phải lưu ý sự thật rằng lằm bằm không phải là tội lỗi nhỏ.

Đối với chúng ta có Nước Thiên Đàng vĩnh cửu mà chúng ta sắp trở về. Hãy nghĩ tới Đức Chúa Trời, là Đấng đã từ bỏ kể cả mạng sống của Ngài vì sự cứu rỗi của chúng ta, và hãy có sự trông mong và đức tin vững chắc hơn nữa về vương quốc trên trời.

“Song phần nhiều trong vòng họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã ngã chết nơi đồng vắng. Mọi điều đó đã xảy ra để làm gương cho chúng ta, hầu cho chúng ta chớ buông mình theo tình dục xấu, như chính tổ phụ chúng ta đã buông mình. Cũng đừng thờ hình tượng nữa, như mấy người trong họ… Lại cũng chớ lằm bằm như mấy người trong họ đã lằm bằm mà bị chết bởi kẻ hủy diệt. Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời. Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.” I Côrinhtô 10:5-12

Vào bất cứ thời đại nào, những người không có sự hiểu biết, đã lằm bằm với Đức Chúa Trời, giống như người dân Ysơraên trong quá khứ đã làm. Tiêu chuẩn kép, vừa nghĩ tới công việc dưới đất, vừa muốn đi Nước Thiên Đàng, đã làm ra sự lằm bằm. Đức Chúa Trời đã phán rằng hãy nghĩ tới những sự ở trên trời, tức là vương quốc trên trời, và phàm sự gì cũng phải tạ ơn Chúa, mà người không vâng phục lời phán này thì chỉ chú trọng vào sự ham muốn của xác thịt mà sanh ra lằm bằm kể cả đối với việc nhỏ nhặt.

Kính sợ Đức Chúa Trời và sinh hoạt đức tin không phải là để tìm cầu phước lành của thế giới hiện tại mà chỉ ít lâu nữa sẽ bị biến mất, bèn là để đi vào Nước Thiên Đàng vĩnh cửu. Kinh Thánh khuyên bảo chúng ta rằng hãy có tầm nhìn phần linh hồn và làm theo sự ham muốn của linh hồn. Có như thế thì mới thấy được tình yêu thương của Đức Chúa Trời, mới trông thấy được Nước Thiên Đàng, và mới có thể cảm nhận được niềm vui thực sự.

Hãy tràn đầy lòng cảm tạ

Với tư cách là con cái đã được nhận tình yêu thương của Đức Chúa Trời, giờ chúng ta cũng phải thực tiễn tình yêu thương. Đừng chỉ mong chờ vào đối phương, mà ngay kể từ trong gia đình, vợ và chồng hãy nghĩ xem có thể làm gì cho nhau. Các con cái hãy suy nghĩ xem mình phải làm thế nào để cha mẹ vui lòng, còn cha mẹ hãy nghĩ xem phải làm thế nào để các con cái vui vẻ. Tấm lòng quan tâm tới người khác chứ không chỉ tìm cầu ích lợi của bản thân mình chính là tấm lòng của Đức Chúa Trời.

Nếu Đức Chúa Trời đã chỉ nghĩ đến sự an nguy của Bản Thân, thì Ngài đã không cần phải đến trái đất này. Giống như Đức Chúa Trời nghĩ tới chúng ta mà đến tận trái đất này, chúng ta cũng phải học hỏi tấm lòng của Đức Chúa Trời, phải biết suy nghĩ cho lập trường của nhau, quan tâm và yêu thương lẫn nhau, vợ đối với chồng, chồng đối với vợ, lại con cái đối với cha mẹ, cha mẹ đối với con cái. Học hỏi và thực tiễn tình yêu thương của Đức Chúa Trời như thế này thì trên thế gian không có bất cứ việc nào phải lằm bằm cả. Hiểu ra thì mới thấy rằng tất thảy mọi khổ nạn và khó khăn ập đến với chúng ta, cũng đều là quá trình nhất định cần thiết để dẫn dắt chúng ta đi vào Nước Thiên Đàng, và là tình huống không thể không xảy ra trong quá trình ấy.

“Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương… lại phải biết ơn. Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời. Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” Côlôse 3:13-17

Hiểu ra thì thấy rằng tất thảy mọi việc xảy đến với chúng ta đều là việc đáng phải cảm tạ. Hãy bỏ đi sự lằm bằm và phàm sự gì cũng hãy tạ ơn. Ân huệ hầu cho chúng ta có thể ở trong Đức Chúa Trời, ân huệ hầu cho chúng ta đi vào Nước Thiên Đàng, ân huệ Đức Chúa Trời trở thành Cha chúng ta, trở thành Mẹ chúng ta, ân huệ hầu cho chúng ta được trở nên anh em chị em với nhau, ân huệ bảo tồn lẽ thật giao ước mới quý báu và rao truyền cho chúng ta. Chúng ta hãy dâng cảm tạ chứa chan lên tất thảy mọi ân huệ này.

“Anh em đã nhận Đức Chúa Jêsus Christ thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy; hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ, và hãy dư dật trong sự cảm tạ.” Côlôse 2:6-7

Có một lần tôi cảm động rất nhiều khi được nghe câu chuyện của một gia đình người chăn nọ. Cha mẹ già của họ đã phản đối khi không biết lẽ thật, nhưng sau khi nhận biết lẽ thật rồi, cha mẹ họ đã nói rằng không biết tại sao trước đây lại phản đối như vậy, và sinh hoạt đức tin rất siêng năng. Cha mẹ họ ở độ tuổi cần mong chờ sự quan tâm và chăm sóc của con cái, thế mà cha mẹ họ lại đã nói rằng “Giờ con đã bắt đầu công tác mục vụ rồi thì đừng lo lắng cho cha mẹ nữa, mà hãy để tâm hơn nữa tới công việc của Đức Chúa Trời!” Tuy tiếp nhận lẽ thật muộn, nhưng dường như sự nhận biết của cha mẹ họ thật là sâu sắc.

Không nhận ra tình yêu thương của Đức Chúa Trời Cha Mẹ thì không thể sanh lại thành đức tin trọn vẹn. Đức Chúa Trời là Sự Yêu Thương, mà chúng ta lại không hiểu sự yêu thương ấy, thì sao có thể nói được rằng mình đã hiểu hết về Đức Chúa Trời được đây? Sách Khải Huyền ghi chép cảnh hai mươi bốn trưởng lão cởi bỏ mão triều thiên mà đặt trước ngôi của Đức Chúa Trời, và dâng tất thảy mọi vinh hiển lên Đức Chúa Trời, đó cũng là bởi họ đã hiểu ra tình yêu thương sâu sắc của Đức Chúa Trời hướng về các con cái (Tham khảo: Khải Huyền 4:9-11).

Trái đất này là thành ẩn náu, tức là nhà tù phần linh hồn, nơi mà những người phạm tội trên trời bị đuổi xuống. Sẽ không có người nào cảm thấy thoải mái với sinh hoạt trong tù. Trên trái đất này, tất thảy mọi người đều sống mà vác theo gánh nặng của mình. Hơn nữa, khi cuộc sống trên trái đất này kết thúc, thì sự xét đoán và hình phạt đời đời đang chờ đợi người đã không nhận được sự tha tội. Tuy nhiên, chúng ta có Nước Thiên Đàng, có sự sống đời đời và sự cứu rỗi, có phần thưởng trên trời sẽ được nhận tùy theo sự lao khổ của chúng ta trên trái đất này, có chức vụ “thầy tế lễ nhà vua”, và tình yêu thương vô hạn của Đức Chúa Trời cũng luôn ở cùng với chúng ta. Cho nên, chúng ta phải trở thành các con cái của Đức Chúa Trời luôn cảm tạ đối với mọi sự.

“Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài; hãy bước đi trong sự yêu thương, cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ, như một thức hương có mùi thơm. Phàm những sự gian dâm, hoặc sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ. Chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn.” Êphêsô 5:1-4

Như lời Đức Chúa Trời đã giáo huấn thông qua Kinh Thánh, kể cả khi nói chỉ một câu, chúng ta cũng hãy dâng cảm tạ và vinh hiển lên Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ ban cho những người như vậy tràn đầy những việc đáng cảm tạ hơn nữa.

Nếu cuộc vận động cảm tạ được tiến hành ngay từ gia đình và Hội Thánh mà chúng ta trực thuộc thì công cuộc cứu rỗi thế giới cũng sẽ nhanh chóng được hoàn thành. Mong tất thảy các anh chị em đều trở thành các con cái của Đức Chúa Trời tỏa ra sự sáng hơn nữa bằng lòng cảm tạ, cho thế gian đầy lằm bằm và bất bình này, và hãy cho nhiều người biết về tình yêu thương của Đức Chúa Trời Cha Mẹ để Tin Lành Nước Thiên Đàng được rao truyền ra khắp thế gian.

Chúng ta là gia đình Nước Thiên Đàng. Đức Chúa Trời là Cha phần linh hồn của chúng ta, là Mẹ phần linh hồn của chúng ta. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta cho đến cùng, và bảo vệ chúng ta như con ngươi của mắt Ngài, nên đừng quên mất tình yêu thương của Đức Chúa Trời dù chỉ trong một chốc lát. Và tôi mong tất thảy người nhà trên trời đều tin chắc và trông cậy vào tình yêu thương ấy, để được đạt tới tận Nước Thiên Đàng vĩnh cửu.