WATV.org is provided in English. Would you like to change to English?

Biến đổi là khởi đầu của sự sống mới

1699 Xem

“Giờ các ngươi chỉ là những ấu trùng nhỏ bé sống dưới nước, nhưng khi trưởng thành, từ thân các ngươi sẽ mọc ra đôi cánh trong suốt tỏa sáng đẹp đẽ. Với đôi cánh ấy các ngươi sẽ có thể bay lượn thỏa thích trên bầu trời và du ngoạn tự do từ bông hoa này đến bông hoa kia.”

Con ếch đã kể cho các ấu trùng nhóm lại gần đó nghe về những điều mà nó đã thấy trong suốt thời gian du hành. Tuy nhiên, các con ấu trùng chỉ sống dưới nước trong đầm sen từ khi sanh ra đến giờ nên không hề tin một chút nào về thế giới bên ngoài mà con ếch kể cho.

Rồi một ngày kia, một con ấu trùng được biến hóa. Con ấu trùng ấy đã lên khỏi mặt nước, bò lên lá thủy sinh, rồi lột xác ấu trùng. Như lời con ếch, nó biến hóa thành con chuồn chuồn với đôi cánh màu bạc trong suốt có thể bay lên bầu trời. Con chuồn chuồn đã quay trở lại đầm sen nơi nó từng sống, và gắng sức cho bạn bè biết sự thật, nhưng vì đã trở thành tồn tại khác về cấp bậc nên không thể trở xuống nước được nữa. Từ “Hãy nhìn thế giới linh hồn” trong sách Những Người Được Đức Chúa Trời Gọi

Côn trùng trưởng thành qua quá trình lột xác

Côn trùng phân bố khắp nơi trên trái đất, đa dạng về chủng loại và chiếm ba phần tư thế giới động vật. Khác với động vật có xương sống, lớp vỏ cứng bên ngoài của côn trùng đóng vai trò và chức năng như xương, như thể tấm áo giáp giúp cơ thể chúng được bảo vệ khỏi những tác động vật lý.

Dù nhỏ nhưng côn trùng có bề mặt tiếp xúc lớn so với trọng lượng cơ thể chúng. Bọ chét có thể nhảy cao gấp hàng chục lần so với chiều cao của chúng, hoặc kiến ​​có thể mang vật nặng gấp hàng chục lần so với trọng lượng của chúng. Đó là bởi cơ bắp trên một đơn vị diện tích cơ thể chúng có sức mạnh lớn hơn so với các loài động vật to lớn khác. Việc sở hữu diện tích bề mặt lớn có thể là một lỗ hổng, bởi độ ẩm sẽ bay hơi càng nhanh. Tuy nhiên, chúng lại có lớp xương ngoài chống nước để ngăn không cho nước bốc hơi.

Động vật có vú như con người có lớp da mềm và tăng dần kích thước khi cơ thể lớn lên. Ngược lại, côn trùng được nở ra từ trứng, trở thành ấu trùng rồi lột xác khi trưởng thành. Sau khi đạt đến một kích thước nhất định, chúng không thể phát triển được nữa bởi có lớp vỏ cứng. Vậy nên chúng cần phải lột xác để chuyển sang lớp vỏ lớn hơn. Về cơ bản, quá trình này giúp côn trùng trút bỏ lớp vỏ cũ và thay lớp vỏ mới phù hợp hơn với cơ thể.

Côn trùng lột xác từ 4 – 27 lần tùy theo mỗi loài. Lột xác là quá trình khó khăn, đòi hỏi phải có một lượng chất dinh dưỡng lớn. Hơn nữa, quá trình này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi chúng sẽ lộ ra cơ thể mềm yếu cho đến tận khi lớp vỏ mới trở nên cứng hơn.

Biến hóa một lần hoặc biến hóa từng chút một

Ngoại trừ kích cỡ ra, các loài động vật khác không có nhiều sự khác biệt về hình dáng giữa cá thể non và cá thể trưởng thành. Tuy nhiên để trưởng thành, côn trùng sẽ phải trải qua sự biến hóa nhiều về hình dáng, thậm chí đến mức không thể nhận ra chúng đã từng là ấu trùng. Giống như các ấu trùng chuồn chuồn trong câu chuyện trên, côn trùng phát triển thông qua quá trình lột xác liên tục từ khi còn là ấu trùng. Hơn nữa, chúng sẽ trải qua quá trình lột xác đặc biệt cho đến khi đạt được kích cỡ nhất định để trở thành một cá thể trưởng thành hoàn chỉnh. Sự lột xác để có lớp vỏ này được gọi là biến hóa.

Hãy cùng tìm hiểu về tằm. Những con tằm bò xung quanh, gặm lá dâu và lớn lên từng chút một qua nhiều lần lột xác. Khi phát triển đến một mức độ nhất định, chúng sẽ nhả ra tơ, quấn quanh cơ thể để tạo thành kén và ẩn mình trong đó. Ở trong kén, chúng biến thành những con nhộng cứng gần như bất động, trông như thể đã chết vậy. Trải qua giai đoạn hóa nhộng được gọi là biến hóa như thế này, nhộng sẽ trở nên cá thể trưởng thành với ngoại hình hoàn toàn khác. Quá trình này được gọi là biến hóa hoàn toàn.

Dường như con nhộng không có gì thay đổi về vẻ bề ngoài. Các loài côn trùng trải qua quá trình biến hóa hoàn toàn như sâu bướm và bướm trông sẽ rất khác so với cá thể mới trưởng thành từ ấu trùng. Bên cạnh đó, các cơ quan tạo nên cơ thể ấu trùng sẽ hoàn toàn bị phân hủy và tái tạo trong giai đoạn nhộng. Sự thay đổi này lớn đến mức có thể so sánh với việc hoán đổi đầu với đuôi vậy.

Mặt khác, có những loài côn trùng không cần trải qua giai đoạn nhộng mà vẫn có thể trưởng thành. Đó được gọi là biến hóa không hoàn toàn. Biến hóa hoàn toàn là trải qua sự biến hóa lớn một lần thông qua quá trình hóa nhộng, còn biến hóa không hoàn toàn đề cập đến việc dần dần mang hình dáng của một côn trùng trưởng thành thông qua một vài quá trình lột xác. Khác với loài côn trùng biến hóa hoàn toàn, từ khi còn là ấu trùng cho đến lúc trưởng thành, vẻ ngoài của loài côn trùng biến hóa không hoàn toàn không có nhiều thay đổi. Sau mỗi lần lột xác, chúng sẽ dần dần có dáng vẻ của cá thể trưởng thành. Chuồn chuồn là loài côn trùng đại diện cho loài biến hóa không hoàn toàn. Chuồn chuồn ngày càng có dáng vẻ trưởng thành sau vài lần lột xác khó khăn, và rồi cuối cùng, chúng bò lên trên mặt nước và được mọc cánh trong lần lột xác cuối cùng.

Đau đớn và nguy hiểm trong quá trình lột xác

Không phải loài nhộng nào cũng có cơ hội trưởng thành và mọc cánh. Loài ong ký sinh rất thích ấu trùng bướm bụ bẫm và nhiều thịt, là vật chủ tuyệt vời cho những ong non sắp sinh. Những con ong chờ cơ hội thích hợp rồi đẻ vài chục trứng vào ấu trùng hoặc nhộng bướm vừa được hình thành. Ấu trùng ong ký sinh dùng thịt nhộng bướm làm thức ăn, lớn lên rồi chui ra thế giới bên ngoài thông qua con nhộng đó. Những con nhộng bướm này đã phải đối mặt với cái chết ngay trước khi bắt đầu cuộc sống mới, thật đáng tiếc biết bao. Trong quá trình biến hóa, khá nhiều ấu trùng hay nhộng bướm phải trở về với lẽ tự nhiên mà không thể trở thành bướm.

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy nhộng hoặc vỏ kén của ấu trùng bị bỏ lại trên cành cây hay ngọn cỏ, nhưng rất khó để được nhìn thấy khoảnh khắc con nhộng trút bỏ lớp da cuối cùng sau khi kết thúc vòng đời lâu dài của ấu trùng. Vì nguy cơ rủi ro rất lớn nên sự biến hóa sẽ bắt đầu vào đêm khuya khi mọi người đang ngủ. Chứng kiến cảnh côn trùng vùng vẫy rất lâu mới chui ra được thì mới thấy chúng đã phải đau đớn biết bao.

Biến hóa là quá trình gian khổ, khó khăn đến đỗi có thể so sánh với nỗi đau xé phổi của con người. Sau khi vừa thoát khỏi lớp kén nặng nề cuối cùng, con bướm trưởng thành có màu xám, đôi cánh ướt và đôi mắt như vô định. Bởi vậy, nó cần thêm một thời gian nữa để cánh khô đi và cứng cáp hơn. Ngay sau khi biến hóa, cơ thể chúng khá mềm yếu và có thể gặp nguy hiểm nếu chạm trán kẻ thù. Đây là khoảnh khắc nguy hiểm và sẽ phải liều mình nếu bắt gặp kẻ thù tự nhiên. Tuy nhiên nếu chịu đựng được thêm một chút nữa, chúng sẽ có thể mạnh mẽ bay lên với đôi cánh tuyệt đẹp vào lúc bình minh.

Dù bò dưới đất hay trên cây thì những con sâu luôn ăn không ngừng nghỉ. Dù có nhìn ngắm ngoại hình của chúng lâu đến đâu chăng nữa, chúng cũng không thể khiến chúng ta nhớ đến hình ảnh của một con bướm. Các ấu trùng ve sầu xấu xí lang thang dưới lòng đất trong nhiều năm. Các ấu trùng chuồn chuồn được gọi là nhộng thật không khác gì loài thủy sinh. Song, nếu vượt qua được quá trình gian khổ và thử thách, con sâu bò trên cây sẽ biến thành con bướm có đôi cánh đẹp đẽ, ấu trùng gớm ghiếc sẽ hóa thành ve sầu ngân nga hướng về bầu trời xanh, còn những con nhộng thở bằng mang sẽ hóa thành chuồn chuồn với đôi cánh trong suốt màu bạc. Đối với côn trùng, biến hóa là quá trình thiết yếu để duy trì sự sống và là cửa ngõ quan trọng cho bước khởi đầu của sự sống mới. Sự biến hóa kỳ diệu của côn trùng quả là phi thường và bí ẩn.

Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa.I Côrinhtô 15:51-52