Phurim
Từ “Phurim” có nguồn gốc từ động từ “phurơ” có nghĩa là “bỏ thăm”.
Phurim là ngày kỷ niệm việc Êxơtê và Mạcđôchê đánh bại Haman vào chính ngày mà Haman đã chọn để giết hại cả dân tộc Giuđa trong khắp nước Pherơsơ [Mêđi-Pherơsơ] bằng cách bỏ phurơ (lá thăm, Êxơtê 3:7, 9:1). Trong luật pháp của Môise, có bảy lễ trọng thể trong ba kỳ mà Đức Chúa Trời đã sáng lập ra thông qua Môise. Tuy nhiên, “Phurim” là một ngày lễ của dân tộc Ysơraên mà không thuộc vào bảy lễ trọng thể trong ba kỳ.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc của “Phurim”.
1. Bối cảnh lịch sử
Dân tộc Giuđa đã bị làm phu tù cho Babylôn. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Babylôn đã bị hủy diệt bởi Pherơsơ [Mêđi-Pherơsơ], vì vậy người Giuđa ở dưới sự cai trị của Pherơsơ. Người Giuđa chỉ là một dân tộc nhỏ bé, nhưng họ luôn cố gắng vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời bằng lòng tự hào rằng mình là dân của Đức Chúa Trời.
Khi thời hạn phu tù 70 năm theo như ý chỉ của Đức Chúa Trời đã kết thúc, họ đã quay về Giêrusalem hai lần. Đây là sự việc đã xảy ra cho dân tộc Giuđa đang ở tại Pherơsơ trong thời gian giữa lần trở về thứ nhất và thứ hai, vào triều đại của vua Asuêru.
2. Êxơtê lên ngôi hoàng hậu
Một ngày nọ, Asuêru, vua Pherơsơ, đã tổ chức một bữa tiệc yến cho hết thảy quan tướng và thần bộc của mình. Rồi vua truyền đòi hoàng hậu Vả Thi đến bữa tiệc để tỏ ra tướng mạo đẹp đẽ của bà. Hoàng hậu Vả Thi, trong lúc cũng đang dự tiệc cùng với những người nữ của mình, đã phớt lờ mệnh lệnh của vua và từ chối đến trước vua.
Vua Asuêru đã nổi giận và phế truất ngôi vị hoàng hậu của bà. Vua đã quyết định lựa chọn một hoàng hậu mới, và “Êxơtê” một người nữ Giuđa ở tại kinh đô Susơ của Pherơsơ, đã được chọn ra và trở thành hoàng hậu của Pherơsơ. Êxơtê là con gái của cậu của Mạcđôchê, và vì lý do nàng không có cha mẹ, nên Mạcđôchê đã đem Êxơtê về nuôi và xem như con gái ruột của mình.
3. Mạcđôchê cứu mạng sống của vua
Vào một ngày, Mạcđôchê nghe lỏm được việc có hai hoạn quan đang âm mưu ám sát vua Asuêru. Người đã cứu mạng sống của vua Asuêru bằng cách nói cho hoàng hậu Êxơtê biết tin đó, và rồi cả hai kẻ ấy đều bị treo lên cây hình.
4. Haman và Mạcđôchê
Sau các việc ấy, vua Asuêru nâng Haman lên, thăng chức cho Haman và ban cho ngôi vị cao hơn hết thảy quan trưởng. Mọi thần bộc trong cung ở trước cửa vua đều quỳ xuống lạy Haman. Tuy nhiên, Mạcđôchê không cúi xuống, cũng không lạy. Haman nổi giận trước Mạcđôchê, và tìm mưu giết hại người. Cuối cùng, Haman đã quyết định không chỉ giết một mình Mạcđôchê mà còn cả tông tộc người, tức cả dân tộc Giuđa. Haman truyền cho các thần bộc trong cung bỏ thăm để chọn ngày tháng thủ tiêu dân tộc Giuđa, và thăm rơi vào tháng thứ mười hai, tức tháng Ađa.
5. Lời cáo buộc sai trái của Haman
Haman gian ác đã buộc tội sai trái cho dân Giuđa trước vua Asuêru như sau:
“Có một dân tộc tản mác, rải rác ra giữa các dân tộc trong những tỉnh của nước vua: luật pháp của chúng nó khác hơn luật pháp của các dân khác; lại chúng nó cũng không tuân theo luật pháp của vua; dung chúng nó chẳng tiện cho vua. Nếu điều đó vừa ý vua, khá giáng chiếu chỉ truyền tuyệt diệt chúng nó đi…” Êxơtê 3:8-9
6. Dân Giuđa rơi vào cơn kinh hãi
Vua đã cởi chiếc nhẫn khỏi tay mình và trao cho Haman, phán rằng “Hãy làm điều chi mặc ý ngươi.” Những thư ký của vua được đòi đến theo lệnh của Haman – kẻ thù của dân tộc Giuđa. Rồi tùy theo mọi điều Haman truyền dặn, họ nhân danh Asuêru viết chiếu gửi cho các quan trấn thủ của vua, cho các quan cai quản mỗi tỉnh, và cho trưởng tộc của mỗi dân tộc, tỉnh nào dùng chữ nấy, dân tộc nào theo thổ âm ấy; rồi họ lấy chiếc nhẫn của vua mà đóng ấn.
“Nhằm ngày mười ba tháng mười hai, tức là tháng Ađa, phải trừ diệt, giết chết và làm cho hư mất hết thảy dân Giuđa trong một ngày đó, vô luận người già kẻ trẻ, con nhỏ hay là đàn bà, và cướp giựt tài sản của chúng nó!” Êxơtê 3:13
Trong mỗi tỉnh, nơi nào mạng lịnh vua và chiếu chỉ được đưa đến, thì trong dân Giuđa đều có sự thảm sầu, kiêng ăn, khóc lóc và kêu van. Họ đã mặc bao gai và phủ tro, cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu.
7. Nếu tôi phải chết thì tôi chết
Mạcđôchê đã cử người đến Êxơtê, và xin bà giúp cho dân tộc Giuđa vượt qua được thảm kịch này.
“Nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao?” Êxơtê 4:14
Êxơtê biết rằng theo luật pháp của Pherơsơ, hễ bất cứ ai vào cùng vua tại nội viện, mà không được lịnh vời thì theo luật đã định, người đó phải bị xử tử, miễn là được vua giơ cây phủ việt vàng ra, thì mới sống. Dù vậy, sau khi kiêng ăn ba ngày, bà đã đi đến trước vua bằng lòng kiên quyết “Nếu tôi phải chết thì tôi chết.” Trông thấy Êxơtê xuất hiện, vua đã giơ ra cho bà cây phủ việt vàng. Êxơtê đã mời vua cùng với Haman đến dự tiệc yến mà bà sẽ chuẩn bị. Haman không biết ý định bên trong, nên cảm thấy thích thú với việc chỉ mình hắn là người duy nhất được hoàng hậu mời đi cùng với vua.
8. Mạcđôchê được nhận tôn trọng
Ban đêm, vua Asuêru đọc sách sử ký ghi chép về triều đại của ông, và nhận thấy rằng Mạcđôchê chẳng nhận được vinh hiển và tước vị gì mặc dù người đã có công tỏ ra âm mưu của hai hoạn quan toan ám sát vua.
Cùng lúc ấy, Haman đã dựng một mộc hình cao năm mươi thước (khoảng 22,5 mét) để giết Mạcđôchê, và đi đến vua để xin vua chấp thuận. Tuy vậy, Haman đã được vua phán lệnh phải làm cho Mạcđôchê được tôn trọng. Haman phải mặc áo triều cho và đội mão triều thiên lên đầu Mạcđôchê, và dẫn người cỡi ngựa dạo qua các đường phố của thành nội, mà hô lên trước mặt người rằng “Người mà vua muốn tôn trọng được đãi như vậy!”
※ Thước : Đơn vị tính chiều dài. Thước là đơn vị chỉ ra khoảng cách từ khuỷu tay đến đầu ngón tay, và 1 thước bằng khoảng 45cm.
9. Sự chết của Haman
Tại bữa tiệc, hoàng hậu Êxơtê đã tâu với vua về mình và dân tộc mình.
“Ôi vua, tôi và dân tộc tôi đã bị bán để hủy diệt.”
“Kẻ dám toan lòng làm như vậy là ai? Nó ở đâu?”
Vua Asuêru nổi thạnh nộ khi biết được có kẻ đang tìm cách tiêu diệt hoàng hậu và dân tộc người.
“Kẻ cừu thù, ấy là Haman độc ác kia! ”
Sau cùng, Haman, kẻ thù gắng sức tiêu diệt dân Giuđa, đã bị treo lên cây mộc hình mà chính tay hắn đã dựng lên cho Mạcđôchê, và con đường sống đã được mở ra cho dân tộc Giuđa vốn sắp sửa bị hủy diệt.
10. Chiếu chỉ ban hành cứu người Giuđa
Trong luật pháp Pherơsơ, không ai có thể bãi được bất cứ chiếu chỉ nào mà đã nhân danh vua và được đóng ấn bằng nhẫn của vua. Ngay cả vua cũng không là ngoại lệ, vì thế vua phải cho ban hành chiếu chỉ mới.
“Chiếu chỉ ấy tỏ rằng vua ban phép cho dân Giuđa ở trong các tỉnh các thành của nước Asuêru hiệp lại nội trong một ngày, là ngày mười ba tháng mười hai tức tháng Ađa, đặng binh vực sanh mạng mình, tuyệt diệt, đánh giết, và làm cho hư mất quyền năng của dân cừu địch toan hãm hiếp mình, vợ và con cái mình, cùng cho phép đoạt lấy tài sản của chúng nó.” Êxơtê 8:11-12
Về phần dân Giuđa, đó là lúc có sự sáng sủa, vui vẻ, khoái lạc và vinh hiển..
Dân Giuđa hãm đánh các thù nghịch mình bằng mũi gươm, giết chết và tuyệt diệt chúng nó… Người ta treo mười con trai của Haman… nhưng họ không tra tay vào hóa tài.” Êxơtê 9:5-16
11. Phurim
Vào ngày mười bốn tháng mười hai, dân Giuđa lấy làm một ngày tiệc yến vui vẻ. Họ giữ ngày mười bốn và ngày mười lăm tháng mười hai là ngày tiệc yến vui vẻ, và gọi đó là các ngày Phurim, xuất phát từ chữ “Phurơ” trong tiếng Hêbơrơ nghĩa là “bỏ thăm”. Phurim chỉ là một ngày lễ hội dân tộc của người Giuđa phần xác, lễ này không có liên quan đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Đó giống như như ngày Quốc khánh của người dân Hàn Quốc.
12. Giáo huấn dành cho người Giuđa phần linh hồn
Sự việc đã xảy ra cho Êxơtê có mối quan hệ chặt chẽ với chúng ta, những người Giuđa phần linh hồn vào những ngày sau rốt này.
Haman độc ác, kẻ cáo buộc gian trá về người Giuđa trước mặt vua, biểu tượng cho ma quỉ là kẻ kiện cáo chúng ta trước Đức Chúa Trời (Khải Huyền 12:10). Lịch sử người dân Giuđa rơi vào cơn kinh hãi vì mưu chước của Haman nhằm tiêu diệt người Giuđa cho thấy rằng người dân Giuđa phần linh hồn sẽ gặp sự kinh hãi khủng khiếp trong những ngày sau rốt. Tuy nhiên, giống như người Giuđa vốn bị rơi vào kinh hãi đã có thể cứu được mạng sống mình nhờ sự nâng đỡ của hoàng hậu Êxơtê, thì người Giuđa phần linh hồn sẽ thoát thoát khỏi cơn kinh hãi và được ban cho sự sống nhờ sự nâng đỡ của Thánh Linh và Vợ Mới trong những ngày sau rốt. Haman, kẻ đã bị treo lên cây mộc hình mà chính hắn dựng nên để treo Mạcđôchê. Việc ấy biểu tượng cho sự ma quỉ sẽ bị giam cầm trong nơi mà chính nó đã sắm sửa để giam nhốt người dân Giuđa phần linh hồn. Như người dân Giuđa phần xác đã liên hiệp lại và đánh thắng kẻ cừu địch, thì người dân Giuđa phần linh hồn sẽ liên hiệp lại và chiến thắng kẻ thù ma quỉ. Vào lúc này, ngày ấy sẽ đến mau chóng khi người dân Giuđa phần linh hồn cần liên hiệp đẹp đẽ và có đức tin vững chắc, chỉ nương cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời.
“Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta…” Rôma 15:4
“Điều chi đã có, ấy là điều sẽ có; điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời. Nếu có một vật chi mà người ta nói rằng: Hãy xem, cái nầy mới, vật ấy thật đã có rồi trong các thời đời trước ta.” Truyền Đạo 1:9-10