Tình yêu thương chẳng nóng giận

Sự tức giận không đến từ bên ngoài mà nảy mầm từ bên trong. Vì vậy, phương pháp kiểm soát sự tức giận có thể được tìm thấy từ bên trong.

17,045 lượt xem

Trong cuộc sống, những việc khiến cho tức giận thỉnh thoảng lại tìm đến. Có những lúc bạn tức giận vì một tình huống phải đối mặt, chẳng hạn như sắp đến giờ hẹn thì lại bị kẹt xe nên không thể di chuyển, hoặc trời mưa vào ngày bạn mang đôi giày mới, v.v… Nhưng phần lớn sự phẫn nộ đều xuất phát từ mối quan hệ giữa người với người.

Khi bạn tức giận, các mạch máu sẽ phình ra, mặt đỏ bừng, mắt nhìn trừng trừng, hơi thở trở nên gấp gáp và huyết áp tăng cao, cũng dễ dàng thốt ra những lời coi thường đụng chạm đến lòng tự trọng của đối phương vì muốn công kích họ. Bị ám ảnh bởi những suy nghĩ hẹp hòi nên không thể nắm bắt được tình hình như nó vốn có và thậm chí khả năng giải quyết vấn đề cũng giảm sút.

Sự phẫn nộ không chỉ gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn làm cho ngay cả đối phương cũng tức giận và làm bùng nổ sự xung đột. Nếu không kiềm chế được sự tức giận và bắn những mũi tên phẫn nộ vào người khác, có thể bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm trong chốc lát, nhưng kết quả là không những không giải quyết được vấn đề, mà còn làm tổn thương tấm lòng lẫn nhau. Đặc biệt, có nhiều trường hợp không kiềm chế được sự tức giận nên đã thể hiện ra và cãi vã với gia đình mà vốn có mối quan hệ thân thiết.

Chừng nào những người có lập trường và giá trị quan khác nhau còn sống cùng nhau thì xung đột là tất yếu và mồi lửa phẫn nộ có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Nếu lúc nào bạn cũng nổi giận, bạn sẽ không tránh khỏi bị cô lập khỏi xã hội hoặc gia đình. Tuy nhiên, bạn lại sẽ cảm thấy sự kiên nhẫn của mình có giới hạn khi liên tục kìm nén cơn giận của mình. Những lúc như thế, phương pháp khôn ngoan để vượt qua tình huống này là gì?

Nơi “cơn giận” bắt đầu

Mọi người thường phẫn nộ khi cảm thấy có điều gì đó không đúng và họ cho rằng việc thể hiện sự phẫn nộ là hành động chính đáng để phản đối sự bất công. Nói cách khác, họ tin rằng bản thân mình có lý do chính đáng để tức giận và đối phương đã đưa ra nguyên nhân khiến bạn không thể không tức giận.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng nguyên nhân khiến bạn tức giận hoàn toàn là lỗi của đối phương. Những tác động từ bên ngoài không phải là nguyên nhân thực sự của sự phẫn nộ. Nguyên nhân thực sự là một cái gì đó khác. Đúng vậy, đó là nhu cầu ở bên trong bạn. Mọi người đều có niềm tin của riêng mình và những quy tắc, khuôn mẫu mà mình tự đặt ra, mà coi là suy nghĩ phổ biến và đồng thời cho là đúng đắn. Và nếu lời nói và hành động của đối phương đáp ứng được kỳ vọng, dự đoán hoặc tiêu chuẩn giá trị của bản thân thì bạn sẽ có cảm tình tốt, còn nếu không thì sẽ nảy sinh cảm xúc tiêu cực.

Nếu tâm trạng tốt, bạn có thể vui vẻ giúp đỡ gia đình nếu họ nhờ giúp đỡ điều gì đó, nhưng bạn có thể sẽ bực tức nếu họ nhờ bạn giúp đỡ khi bạn mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi sớm. Giống như vậy, bạn có thể tức giận với của vợ hoặc chồng của mình vì hành động nào đó vào một số ngày nhưng những ngày khác thì không như vậy.

Vì vậy, nguyên nhân của sự phẫn nộ không phải là “do đối phương” mà phần lớn là do hành động của đối phương “hiện giờ không vừa ý tôi”. Nghĩ rằng người khác làm mình tức giận chỉ là sự hợp lý hóa bản thân, nhưng thực ra là bởi chính bản thân không quản trị được tấm lòng mình một cách đầy đủ.

Vì vậy, khi tức giận, trước khi bạn đổ lỗi cho đối phương, hãy tự hỏi bản thân mình “Điều tôi muốn là gì?”. Khi nhận thức được nhu cầu và kỳ vọng, định kiến và hiểu lầm của bản thân, thì có thể tìm ra mấu chốt để giải quyết sự phẫn nộ. Và, với con mắt khách quan nhất có thể, hãy kiểm tra xem lý do khiến bạn phẫn nộ có thực sự thỏa đáng hay không. Nếu lý do tạo ra cảm xúc đó không thỏa đáng thì cảm xúc sẽ tự nhiên lắng xuống.

Ngay cả trong tình huống tương tự, nếu bạn phán đoán rằng hành động của đối phương là có chủ ý thì sự phẫn nộ của bạn càng tăng lên. Khi một đứa trẻ không nghe lời, bạn nghĩ rằng nó đang cố gắng gây rắc rối cho mình, hoặc khi vợ hoặc chồng của bạn không tích cực tham gia các sự kiện gia đình, bạn lý giải rằng họ đùn đẩy mọi việc cho bản thân mình. Những gì bạn hiểu có thể hoàn toàn khác với ý định hay thực tế của đối phương. Nếu bạn thường cảm thấy phẫn nộ, hãy suy nghĩ xem liệu cách lý giải của bạn về sự kích thích đó có nhạy cảm hay không.

Việc nguyên nhân của sự phẫn nộ nằm ở chính bản thân bạn có nghĩa là phương án giải quyết cho sự phẫn nộ đó cũng có thể được tìm thấy từ chính bản thân bạn. Nếu bạn liên tục luyện tập để nắm bắt được bản chất cơn giận và suy nghĩ về cách giải tỏa nó như thế nào, thì bạn có thể giảm tần suất và cường độ cơn giận cũng như mức độ căng thẳng đi kèm với nó.

Tạo trạm dừng chân giữa cảm xúc và hành động

Nhiều người vô thức đùng đùng tức giận mà chính mình không nhận ra, rồi quay lại và hối hận rằng “Tại sao mình lại làm vậy?”. Thể hiện cảm xúc thông qua sự phẫn nộ dễ dàng và đơn giản hơn việc truyền đạt tâm trạng từng bước thông qua đối thoại. Khi bạn tức giận, bộ phận liên quan đến cảm xúc trong não sẽ được kích hoạt trước, sau đó bộ phận phân tích tình huống sẽ hoạt động. Không phải là suy nghĩ rồi mới tức giận mà là tức giận trước khi suy nghĩ.

Cảm xúc và hành động hoàn toàn khác biệt. Chỉ cảm thấy phẫn nộ không phải là vấn đề lớn, nhưng việc thể hiện nó bằng hành động thì cần phải được điều tiết. Khi tức giận, bạn dễ dàng buông bỏ sợi dây lý trí, nhưng cảm xúc có thể được thuần hoá bằng cách mượn sức mạnh của lý trí. Để làm được điều đó, trước tiên bạn phải nhận thức được trạng thái cảm xúc của bản thân.

Trong khi cau mày và cao giọng, “Anh nói tôi tức giận khi nào?” Có những người không thừa nhận sự thật rằng mình đang tức giận. Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực, xuất hiện những phản ứng như cơ thể cứng nhắc hoặc khuôn mặt nóng bừng lên, không thể kiềm chế mà muốn thể hiện sự phẫn nộ, bạn nên nhanh chóng nhận ra sự thật rằng “Tôi đang tức giận”. Ngay cả khi bạn không lên tiếng, chỉ trích hay mỉa mai người khác, hay nói những lời gây tổn thương, những lời ra lệnh, hoặc chỉ đơn phương nói chứ không lắng nghe lời đối phương, bạn cũng cần phải quan sát xem trạng thái cảm xúc của bản thân đang như thế nào.

Khi bạn nhìn nhận tách biệt hành động và cảm xúc của bản thân như thế này, thì sức mạnh của lý trí bắt đầu trở nên mạnh mẽ hơn. Luyện tập để tách biệt cảm xúc và hành động giống như việc “tạo ra một trạm dừng chân trên đường cao tốc được gọi là mạng lưới thần kinh trong não”. Nếu không có trạm dừng chân này, bạn sẽ mắc phải sai lầm như cau mày hoặc thốt ra những lời công kích ngay khi cảm thấy phẫn nộ. Ngay cả khi cảm thấy tức giận, nếu bạn nhận thức được điều đó và nhìn nhận tình huống một cách lý trí, bạn có thể hành động tốt hơn thay vì phẫn nộ.

Đạt được những gì bạn muốn mà không tức giận

Sau khi bạn nhận ra sự thật rằng mình đang tức giận và xem xét lý do, hãy nghĩ về nó theo cách này. Tức giận có phải là cách khôn ngoan không? Chẳng phải là lãng phí năng lượng một cách không cần thiết sao? Nếu tức giận thì mọi việc có được giải quyết tốt không? Tôi có thể đảm đương những điều sẽ xảy ra sau khi tức giận không?

Một số bậc cha mẹ nói rằng khi họ tức giận thì con cái mới nghe lời tốt được. Tuy nhiên, khi cha mẹ tức giận, đứa trẻ chỉ sợ hãi trong giây lát và ngừng hành động để tránh tình huống đó; mà không bày tỏ thái độ tự kiểm điểm lỗi lầm hay nỗ lực để không lặp lại hành vi tương tự. Việc thay đổi hành vi của trẻ theo cách đó không những không có hiệu quả giáo dục mà còn làm mất đi cơ hội dạy dỗ hành vi đúng đắn.

Sự phẫn nộ được thể hiện dễ dàng hơn khi coi đối phương là yếu thế hơn hoặc có địa vị thấp hơn mình. Dù bạn có tức giận thì đối phương cũng không còn cách nào khác; còn bạn sẽ không nỗ lực nhiều để kìm chế cảm xúc của mình. Nếu bạn không coi đối phương là thấp kém hơn mình và tôn trọng họ, bạn có thể giải quyết vấn đề một cách hợp lý hơn trong các tình huống xung đột.

Bạn không thể đạt được điều mình muốn từ đối phương bằng vẻ mặt thù địch hoặc giọng điệu mỉa mai. Nếu không với mục đích cãi vã, bạn nên yêu cầu điều mình muốn với giọng điệu bình tĩnh khi cơn giận đã nguôi ngoai để truyền đạt điều đó đến đối phương một cách chính xác. Ngay cả trong những tình huống mà bạn bị đối xử bất công, việc giải quyết một cách bình tĩnh và điềm đạm sẽ có lợi hơn nhiều.

Khi khảo sát về thời điểm mọi người thường tức giận với các thành viên trong gia đình, trong trường hợp của các cặp vợ chồng thì đó là khi họ “cảm thấy mọi thứ không công bằng” và với các bậc cha mẹ thì đó là khi “con cái không đáp ứng được kỳ vọng”. Nếu bạn tiếp tục tức giận vì cùng một việc, bạn nên kiểm tra xem liệu có sự thiếu đối thoại về vấn đề này hay không, việc cùng nhau suy nghĩ về phương pháp để ngăn ngừa xung đột cũng là một phương pháp tốt.

Nếu trong tình huống dù có tức giận mà cũng không thay đổi được gì, thì hãy để nó qua đi. Khi đang lái xe mà một chiếc ô tô chạy bên cạnh bạn đột ngột chuyển làn, người lái xe kia sẽ không thể nào nhận ra dù bạn có trút ra cơn sục sôi bên trong mình. Khi bạn tức giận, tia lửa đó rốt cuộc sẽ bắn vào những người đi cùng vốn không liên quan. Điều tương tự cũng xảy ra khi mọi việc không diễn ra như mong muốn. Khi bạn nghĩ, “Rốt cuộc là tại sao?”, bạn sẽ phẫn nộ và mọi tình huống đều có vẻ tiêu cực, nhưng nếu bạn tập trung vào “Nên làm như thế nào?”, các vấn đề thường được giải quyết dễ dàng ngoài dự kiến.

Gandhi từng nói “Nếu bạn đúng thì không cần phải tức giận, còn nếu bạn sai thì bạn không có tư cách để tức giận”. Dù bản thân đúng hay sai thì cũng không có lý do gì để tức giận. Tình huống xung đột ý kiến với đối phương không phải là lúc để phẫn nộ hay cãi vã, mà là lúc để kiểm tra xem năng lực nội tại của bản thân có đủ để giải quyết vấn đề một cách viên mãn hay không.

Gia đình được tạo dựng trên nền tảng là tình yêu thương. Đôi khi, bạn đón nhận tình yêu thương đó với niềm tin sai lầm rằng mình có thể tức giận mà không cần kìm nén cảm xúc, để rồi đặt gia đình và chính mình vào tình huống bất hạnh. Bày tỏ sự phẫn nộ trong lòng cũng giống như ép mọi người xung quanh ăn thức ăn có hại cho cơ thể vậy.

Trong Kinh Thánh, khi liệt kê các định nghĩa về tình yêu thương, định nghĩa đầu tiên là “sự nhịn nhục”. “Chẳng nóng giận” cũng là điều kiện để tình yêu thương được trọn vẹn. Cũng như bạn chỉ muốn dành những điều tốt đẹp cho những người trân quý của mình, hãy truyền tải những tình cảm tốt đẹp trong khi nỗ lực để không nóng giận với gia đình của mình. Gia đình là nơi cần thể hiện đức tính tốt đẹp là nhịn nhục và không nóng giận cách rộng rãi nhất. Đó là bởi nền tảng làm nên gia đình là “tình yêu thương”.