Lễ Khánh Thành Đền Thờ

40,412 lượt xem

Đây là ngày lễ của người Giuđa được giữ vào ngày 25 tháng Kítlơ (Tháng Chín), lễ này không thuộc vào luật pháp của Môise.

“Tại thành Giêrusalem có giữ lễ Khánh thành đền thờ. Bấy giờ là mùa đông; Đức Chúa Jêsus đi dạo trong đền thờ, dưới hiên cửa Salômôn.” Giăng 10:22-23

Đế quốc Hy Lạp mà đã chinh phục Mêđi – Pherơsơ, đã bị phân chia thành bốn vương quốc bởi bốn vị tướng sau cái chết của Alexander Đại Đế. Vương quốc của Cassander (Macedonia), vương quốc của Seleucus (Syria), vương quốc của Lisimachus (Tiểu Á), và vương quốc của Ptolemy (Ai Cập). Mỗi vị vua của những vương quốc mới ấy đều tự phong cho mình là người thừa kế của Alexander. Sau đó, vương quốc của Lysimachus ở Tiểu Á bị diệt vong bởi vương quốc của Seleucus ở Syria, và trở thành thể chế ba vương quốc.

Nước Giuđa trở thành thuộc địa của Hy Lạp, sau khi làm thuộc địa cho Babylôn và Mêđi – Pherơsơ. Và sau đó nước Giuđa đã trở thành thuộc địa của triều đại Ptolemy – vương quốc Ai Cập; nhưng khoảng 100 năm sau, Giuđa lại trở thành nước chư hầu của Đế Chế Syria, bởi Ai Cập đã bị thua trận trong cuộc chiến tranh với Syria (khoảng năm 198 TCN).

Ngay khi Antiochus IV (dưới đây gọi là Antiochus) của triều đại Seleucus (Syria) lên làm vua, ông đã ra lệnh cho tất cả các nước thuộc địa phải thờ lạy các thần của Hy Lạp, bất cứ ai thờ lạy thần của dân tộc mình đều bị xử tử, và ông bắt đầu chính sách Hy Lạp hóa. Chính sách này đã được thực hiện một cách rộng rãi trong khắp đế quốc, đến nỗi trở thành thói quen trong cuộc sống trên nhiều khía cạnh xã hội.

Trong số những người dân Giuđa, cũng có người tiếp nhận chính sách Hy Lạp hóa và hợp tác với Antiochus, họ bỏ đi thói quen sinh hoạt truyền thống và tín ngưỡng của mình mà tôn kính các thần linh của Hy Lạp, họ tập trung ở đấu trường theo phương thức của Hy Lạp, và cũng mặc trang phục của Hy Lạp.

Các vị vua của Syria nhận lễ vật tiến cống từ các thầy tế lễ Giuđa mà có mối quan hệ hữu hảo với mình, rồi bổ nhiệm cho họ làm thầy tế lễ thượng phẩm. Một vài người Giuđa thậm chí cố gắng mua lấy địa vị thầy tế lễ thượng phẩm bằng cách hứa hẹn sau này sẽ triều cống cho vua. Họ cứ khoanh tay đứng nhìn khi vua Antiochus cướp lấy vật thánh và những khí mạnh của đền thờ, chính họ cũng lấy trộm và bán đi những khí mạnh trong đền thờ để triều cống lễ vật như đã hứa với vua.

Vua Antiochus đã khiến cho người Giuđa không được giữ phép cắt bì và ngày Sabát, cùng các kỳ lễ trọng thể, mà bắt họ phải hầu việc các thần của Hy Lạp, và những ai không làm theo thì đều bị giết chết. Hình tượng của thần Dớt và vô số hình tượng khác (hình tượng các thần linh của người Hy Lạp) được dựng lên trong đền thờ, nên đền thờ trở thành nơi người Hy Lạp và kẻ bội đạo (người Giuđa bị Hy Lạp hóa) sùng bái hình tượng của họ.

Còn những người Giuđa muốn giữ vững đức tin đã phải trốn lên núi hoặc nơi đồng vắng để tránh khỏi cơn bách hại. Nếu bị phát hiện ra trong khi đang giữ gìn điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, thì họ sẽ bị xử tử theo lệnh của vua. Nhiều người trong số họ đã bị giết chết.

Vào thời điểm đó, đã xuất hiện một nhà lãnh đạo trong số những người muốn giữ theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Đó là “Matthathias” thuộc về chi phái Lêvi, ông có năm người con trai cường tráng. Ông đã nhóm lại những người muốn tuân thủ luật pháp cùng với các con trai mình chống lại vua Antiochus và lớn tiếng kêu gọi rằng hãy tuân thủ luật pháp.

Sau đó, các thuộc hạ của vua đã đem vinh hoa phú quý đến cho Matthathias và cố gắng thuyết phục ông thay đổi ý định của mình, nhưng đức tin của ông không hề bị lay chuyển. Ông rời khỏi thị trấn, đem theo những người mong muốn giữ gìn luật pháp của Đức Chúa Trời và sống lẩn trốn trên núi. Họ đã tổ chức thành một đội quân để chống lại vua Antiochus, phá đổ những hình tượng và bàn thờ mà đã được dựng nên ở nhiều nơi.

Sau khi Matthathias qua đời, con trai thứ ba của ông là Giuđa Maccabee trở thành thủ lĩnh của quân đội Giuđa. Ông rất dũng cảm và nhiệt thành, ông đã phát động cuộc đấu tranh độc lập trên toàn lãnh thổ và khiến nhiều người Giuđa cùng tham gia vào. Khi đó, Antiochus đang trong cuộc chiến với người Parthia nên không thể đưa quân đội chủ lực đến để đàn áp cuộc nổi dậy của người Giuđa, nhưng ông ta đã gửi một lực lượng lớn vượt quá mức so với đội quân của Maccabee. Mặc dù mạnh hơn về số lượng và vũ khí quân sự, nhưng lực lượng của Antiochus đã nhiều lần bị đánh bại bởi Maccabee và phải rút quân về. Giuđa Maccabee và những người đi theo ông đã làm sạch đền thờ, vứt bỏ tất thảy hình tượng và dọn dẹp mọi thứ, và dâng hiến đền thờ đã được tinh sạch lên Đức Chúa Trời vào ngày 25 tháng Kítlơ của người Giuđa. Trong khoảng tám ngày từ ngày 25 tháng Kítlơ, người Giuđa kỷ niệm sự phục hồi của đền thờ. Kỳ lễ này được gọi là Lễ Khánh Thành Đền Thờ.

Lễ Khánh Thành Đền Thờ không phải là lễ trọng thể của Đức Chúa Trời, mà chỉ là một ngày quốc lễ của người Giuđa. Vì vậy chúng ta không giữ Lễ Khánh Thành Đền Thờ. Tuy nhiên, chúng ta phải ghi khắc trong tấm lòng mình tinh thần của những người chỉ hầu việc duy nhất Đức Chúa Trời và hết sức bảo vệ đền thờ dù cho phải trải qua nhiều khổ nạn và chịu đựng những sự bất tiện trong cuộc sống trên núi hoặc trong đồng vắng.