WATV.org is provided in English. Would you like to change to English?

Lịch sử nước Ysơraên

29,718 lượt xem

Lý do học về lịch sử nước Ysơraên

Lý do chúng ta học về lịch sử nước Ysơraên là bởi lịch sử của người dân Ysơraên phần xác chứa đựng những điều sẽ xảy ra với chúng ta, những người dân Ysơraên phần linh hồn.

Qua từng thời điểm tiên tri trong lịch sử của dân Ysơraên phần xác, chúng ta cần phải biết trước những điều sẽ xảy ra với chúng ta và có đức tin đúng đắn với tư cách là con trai, con gái Đức Chúa Trời, củng cố trạng thái và vị thế của chúng ta với tư cách là con cái Đức Chúa Trời.

Lịch sử Ysơraên có thể được phân loại như sau:

  1. Từ thời Ađam cho đến thời Nôê
  2. Từ thời Nôê cho đến thời Ápraham
  3. Từ thời Ápraham cho đến thời Môise
  4. Từ thời Xuất Êdíptô đến thời gian Chinh Phục xứ Canaan và thời Các Quan Xét
  5. Thời đại Các Vua
  6. Thời kỳ đất nước bị chia cắt
  7. Thời kỳ làm phu tù ở Babylôn và quay trở về Giêrusalem
  8. Sự sụp đổ và sự hồi phục của Thành Giêrusalem

1. Từ Thời Ađam tới thời Nôê

Phả hệ từ Ađam, tổ tiên của cả loài người đến Nôê được mô tả chi tiết trong Sáng thế ký chương 5. Khi loài người ngày càng đông và sự gian ác của họ ngày càng thêm, Đức Chúa Trời đã phán xét họ bằng nước. Sự phán xét của Đức Chúa Trời đã được ghi chép như một lời cảnh báo cho chúng ta, những người đang sống ở thời đại ứng nghiệm lời tiên này.

“Trong đời Nôê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nôê vào tàu, và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy, khi Con người đến cũng như vậy.” Mathiơ 24:37-39

“Thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác.” II Phierơ 3:6-7

2. Từ thời Nôê đến thời Ápraham

Sau cơn nước lụt từ thời của Nôê, loài người cố gắng xây tháp Babên để không bị tản lạc trên khắp mặt đất. Tuy nhiên, khi Đức Chúa Trời làm lộn xộn tiếng nói của loài người, kế hoạch xây tháp đã bị đổ bể và loài người bị tản lạc ra khắp mặt đất. Sau đó, phước lành của Đức Chúa Trời đã được ban cho một người công bình là Ápraham. Ápraham sống với cha là Tharê ở xứ Urơ của người Canhđê, và sau đó chuyển đến Charan. Sau đó, ông lên đường đến xứ Canaan theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 11:31–12:5).

3. Từ thời Ápraham đến thời Môise

1) Ápraham sinh Ysác, Ysác sinh Giacốp và Giacốp sinh mười hai người con trai. Giôsép là con trai thứ mười một trong số mười hai người con trai của Giacốp, đã bị bán sang Êdíptô bởi sự ghen tỵ của các anh em mình. (Sáng Thế Ký 37:1–36).

2) Giôsép, người bị bán làm nô lệ ở xứ Êdíptô được Đức Chúa Trời yêu mến và trở thành người cai trị và cầm quyền cả xứ Êdíptô (Sáng Thế Ký chương 39 – 41).

3) Vì nạn đói kéo dài trong bảy năm, các anh em của Giôsép đã đi xuống Êdíptô mua ngũ cốc và họ gặp lại Giôsép khi đã em trai trở thành người cai trị Êdíptô. Giacốp và gia đình rời Canaan và định cư ở Êdíptô (Sáng Thế Ký chương 39 – 47).

4) Sau khi Giôsép và những người cùng thời không còn nữa, có một vị vua mới không biết Giôsép đã dấy lên cầm quyền trên đất Êdíptô. Pharaôn đã bắt con cháu của Giacốp làm nô lệ và áp bức họ. Dân Ysơraên đã cầu nguyện khẩn thiết lên Đức Chúa Trời hầu cho họ được giải phóng khỏi ách nô lệ. Đức Chúa Trời đã lắng nghe lời cầu nguyện của họ và làm cho Môise được sinh ra.

* Từ “Pharaôn” bắt nguồn từ “pharaō” trong tiếng Hy Lạp và “par’ōh” trong tiếng Hêbơrơ. Pharaôn có nghĩa là “ngôi nhà vĩ đại”, ban đầu được dùng để chỉ cung điện hoàng gia và rồi trở thành danh hiệu chung cho các vị vua của Ai Cập cổ đại, nhưng sau đó thuật ngữ này đã phát triển thành tên gọi chung cho tất cả các vị vua Ai Cập cổ đại.

4. Từ thời Xuất Êdíptô đến thời kỳ chinh phục xứ Canaan và thời Các Quan Xét

1) Xuất Êdíptô là một sự kiện có tầm quan trọng lớn trong lịch sử Ysơraên: Dân Ysơraên, là những người đã bị áp bức ở Êdíptô, đã được trải nghiệm quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời thông qua Lễ Vượt Qua (Xuất Êdíptô Ký 12:1-51); họ đã được cứu khỏi tai vạ khủng khiếp là hủy diệt mọi con trai đầu lòng của người Êdíptô và con đầu lòng của tất cả súc vật. Sau đó, họ đã vượt Qua Biển Đỏ nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời.

Tiếp đó, dân Ysơraên bắt đầu hành trình đi qua đồng vắng. Khi đến núi Sinai, họ được nhận Mười Điều Răn và dựng đền tạm vào ngày, tháng đầu tiên của năm thứ hai sau khi ra khỏi xứ Êdíptô (Xuất Êdíptô Ký 19, 20, 35–36, 40).

2) Khi dân Ysơraên đến biên giới xứ Canaan, họ cử mười hai người thám tử đi do thám xứ. Tất cả các thám tử, ngoại trừ Giôsuê và Calép đã phao phản xứ mình đi do thám. Kết quả là dân Ysơraên đã lang thang trong đồng vắng suốt bốn mươi năm (Dân số ký chương 13, 14).

3) Sau 40 năm đi theo Đức Chúa Trời, dân Ysơraên đã có thể chinh phục xứ Canaan dưới sự dẫn dắt của Giôsuê (Dân số ký chương 1 – 24).

4) Tại Canaan, khi dân Ysơraên thờ lạy hình tượng, họ đã bị dân ngoại chinh phục và áp bức. Mỗi khi như vậy, Đức Chúa Trời lại chọn lựa một người lãnh đạo cho họ và người lãnh đạo đó được gọi là “quan xét.”

* “Quan xét” có nghĩa là “người điều hành, quyết định các vấn đề và đưa ra phán quyết cuối cùng.” Khi dân Ysơraên gặp nguy hiểm, Đức Chúa Trời đã cử một vị quan xét đến giải cứu họ và phong làm người cai trị cả Ysơraên sau đó. Khác với ngai vua, chức vụ của các quan xét không có tính kế thừa.

5. Thời đại Các Vua

Vào thời quan xét cuối cùng là Samuên, dân Ysơraên cầu xin Đức Chúa Trời chỉ định một vị vua để cai trị họ như tất cả các dân tộc khác. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã lập Saulơ từ chi phái Bêngiamin làm vua trên Ysơraên (I Samuên chương 11 – 13).

Saulơ đã trị vì trong 40 năm và chết trong trận chiến chống lại quân Philitin (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:21; I Samuên 31:1–13). Sau đó, Đavít trở thành vua và cai trị Ysơraên trong 40 năm (II Samuên 5:4).

Sau khi Đavít qua đời, Salômôn kế vị từ cha và cũng đã trị vì trong 40 năm (I Các Vua 11:42).

6. Thời kỳ đất nước bị chia cắt

Sau khi vua Salômôn băng hà, đất nước Ysơraên bị chia làm hai: Giuđa (vua Rôbôam) ở phía nam và Ysơraên (vua Giêrôbôam) ở phía bắc (khoảng năm 975 TCN; I Các Vua 12:1–24).

1) Ysơraên ở phía bắc

Ngay từ ban đầu, đất nước Ysơraên đã rơi vào thờ lạy hình tượng và chọc giận Đức Chúa Trời. Kết quả là, Ysơraên đã bị vua Sanhmanasa của Asiri tấn công và sụp đổ sau 255 năm thành lập (năm 721 TCN; II Các Vua 17:1–18).

Sau đó, tất cả dân Ysơraên đã bị bắt và bị trục xuất đến một vùng đất xa xôi (II Các Vua 17: 6). Vua Asiri đã đưa người dân từ các nước khác bị chinh phục đến và định cư tại các thành của Samari (II Các Vua 17:24).

2) Giuđa ở phía nam

Dân Giuđa cũng đã lơ là không vâng theo các mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, những người dân Nam Giuđa đã được Đức Chúa Trời che chở khi cử hành Lễ Vượt Qua vào thời Êxêchia (II Các Vua 18:21–19:37), Trong hơn 100 năm, họ tiếp tục được nhận ân điển của Đức Chúa Trời.

※ Tham khảo từ sách lẽ thật “Sự Mầu Nhiệm của Đức Chúa Trời và Ngọn Suối Nước Sự Sống”, chương 8 “Sự Mầu Nhiệm Của Lễ Vượt Qua”

7. Thời kỳ làm phu tù ở Babylôn và quay trở về Giêrusalem

Dù Bắc Ysơraên đã bị hủy diệt do coi thường luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời, nhưng Nam Giuđa vẫn tiếp tục bỏ bê hầu việc Đức Chúa Trời và thậm chí còn làm ngơ trước các điều răn của Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã đặt dân Giuđa dưới sự áp bức của vua Babylon là Nêbucátnếtsa, hầu cho họ có thể hiểu biết ý muốn thực sự của Đức Chúa Trời.

1) Bị bắt đi làm phu tù ở Babylôn

Sau ba cuộc xâm lược liên tiếp của dân Babylôn, người dân Giuđa đã bị bắt đến Babylôn (Năm 606 TCN, năm 597 TCN và năm 586 TCN). Trong lúc đó, Đức Chúa Trời đã tiên tri thông qua đấng tiên tri Giêrêmi rằng họ sẽ trở về nước Giuđa sau 70 năm.

2) Được phóng thích khỏi Babylôn và trở về Giêrusalem

Theo lời tiên tri của Đức Chúa Trời, Babylôn đã bị diệt vong bởi nước Mêđi và Pherơsơ. Thời điểm cuối cùng của 70 năm cuộc đời phu tù, Đức Chúa Trời đã cảm động lòng Siru, vua Pherơsơ, tuyên truyền trong khắp nước mình và cũng ra sắc chỉ rằng: “Đây là lời vua Siru nước Pherơsơ phán như vầy: “Giêhôva, Đức Chúa Trời đã ban các nước thế gian cho ta và chính Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giêrusalem, trong xứ Giuđa. Trong các ngươi, phàm ai thuộc về dân sự Ngài, khá trở lên Giêrusalem trong xứ Giuđa, …” Sau đó, dân Giuđa đã dâng cảm tạ và tán dương vô hạn lên Đức Chúa Trời toàn tri toàn năng, và trở về quê hương, xây cất đền thờ cho Đức Chúa Trời. (Năm 537 TCN và năm 457 TCN; Xachari chương 1–3).

3) Bị La Mã đô hộ sau khi chịu sự thống trị của Mêđi – Pherơsơ

Nước Giuđa vốn thuộc quyền cai trị của Mêđi – Pherơsơ, sau đó bị cai trị bởi Ptolemy của Êdíptô do cuộc viễn chinh phía đông của vua Alexander Đại đế và sự phân chia thành bốn vương quốc riêng biệt của đế chế Gờréc. Sau đó, Giuđa bị đặt dưới quyền thống trị của Seleucus, vua nước Syria. Trong thời kỳ thuộc địa, Giuđa bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhiều hình tượng của Gờréc bị đem vào đền thờ của Đức Chúa Trời, nhưng cuối cùng họ đã giành được độc lập và bảo vệ được chủ quyền của mình.

Tuy nhiên, vì La Mã can thiệp vào cuộc nội chiến nổ ra ở Ysơraên nên điều này đã chấm dứt độc lập của đất nước Ysơraên. Cuối cùng, Ysơraên đã trở thành thuộc địa của La Mã vào năm 63 trước Công nguyên. La Mã bổ nhiệm vua Hêrốt làm vua Giuđa. Vào thời vua Hêrốt, Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh tại Bêlêhem, Giuđê.

8. Sự sụp đổ và sự hồi phục của thành Giêrusalem

Người Giuđa đã phạm tội đóng đinh Đấng Christ, Đấng đến để cứu họ thay vì tiếp nhận Ngài. Hơn nữa, họ còn áp các Cơ đốc nhân một cách khắc nghiệt.

Sau đó, họ đã dấy lên nhiều cuộc bạo loạn chống lại La Mã để giành lại độc lập. Năm 70 sau Công nguyên, họ đã bị quân đội La Mã dưới quyền của tướng quân Titút tấn công và hủy diệt với 1 100 000 người Giuđa đã bị giết và 97 000 người bị bắt đi làm phu tù. Là những người không có đất nước, người Giuđa đã sống tản lạc giữa các nước ngoại bang trong suốt một thời gian dài. Trong Thế chiến II, họ đã phải trải qua thảm kịch Holocaust (Vụ thảm sát người Do Thái). Cuối cùng, đến năm 1948, với sự giúp đỡ của Anh Quốc, Ysơraên đã trở thành một quốc gia độc lập và vẫn giữ được độc lập cho đến ngày nay. Sự độc lập của Ysơraên sau 1900 năm mất nước đã được các nhà sử học gọi là một “kỳ tích” khó lặp lại trong lịch sử nhân loại. Lịch sử thế giới ghi chép rất rõ ràng về điều này.

Sự độc lập của Ysơraên bày tỏ chúng ta biết thời điểm Đức Chúa Jêsus tái lâm và giúp chúng ta nhận ra rằng thời điểm người dân Ysơraên phần linh hồn trở về quê hương trên trời đã sắp kíp rồi.