Vương quốc của Loài Kiến được xây dựng bởi Làm việc nhóm và Hy sinh

21,918 lượt xem

Có những loài côn trùng mà chúng ta có thể dễ dàng trông thấy khi chúng ta đi trên đường. Đó là những con kiến; chúng được tìm thấy không chỉ trên đường, mà còn ở gần vỏ cây, trong sân chơi, và thật không may là cả trong nhà nữa. Một số người nhẹ nhàng lấy chúng ra, vì chúng là loài côn trùng nhỏ dễ bị phát hiện, nhưng ít ai biết rằng loài kiến ​​đã sống trên trái đất từ ​​rất xa xưa – từ kỷ Phấn trắng, thời kỳ cuối cùng của kỉ Mesozoic (đại Trung sinh).

Trong khi loài bọ cánh cứng và loài bọ hung – họ hàng xa của kiến ​​- đang có nguy cơ tuyệt chủng1, thì loài kiến phát triển nhanh đến mức tổng số kiến ​​trên trái đất được ước tính là mười triệu tỉ con. Có khoảng 15 000 loài kiến, với khoảng 5 000 loài đã được ghi nhận và nhiều loài vẫn chưa được phát hiện. Vì vậy, chúng ta không được coi thường loài kiến chỉ vì chúng nhỏ. Các nhà sinh vật học, bao gồm cả Edward Osborne, không chút do dự nói: “Kiến là kẻ chinh phục Trái đất”, “Kiến là kẻ thống trị Trái đất.”

1. Bộ Môi trường Hàn Quốc, Danh sách các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Bí mật ẩn giấu về cách mà loài kiến ​​đã sinh sôi nảy nở mạnh mẽ như vậy là gì? Bây giờ chúng ta hãy cùng tham gia một cuộc hành trình vào thế giới của loài kiến mà chúng ta có thể đã không chú ý đến.

Sự phân chia lao động giữa các con kiến

Hãy giả sử bạn là một con kiến trong vương quốc kiến. Bạn đang tận hưởng một ngày bình yên khi đột nhiên kẻ thù xông vào và bắt đầu phá hủy mọi thứ trong nhà. Bạn sẽ phải làm gì trong tình huống này? Điều đó phụ thuộc vào bạn là loại kiến gì. Đó là vì tất cả các loại kiến đều có trách nhiệm cụ thể gắn liền với chúng. Lý do loài kiến đã sinh sôi mạnh mẽ như vậy là nhờ vào sức mạnh to lớn đạt được thông qua sự phân công lao động giữa chúng.

Phẩm chất đáng chú ý nhất trong xã hội loài kiến là việc phân công lao động. Duy chỉ những kiến chúa – những kiến cái sinh sản thì đẻ trứng, và kiến thợ – kiến cái làm việc đã chia sẻ mọi công việc cần thiết khác. Các kiến công chúa – kiến chúa tương lai thì dành hết thời gian dự trữ năng lượng cho chuyến bay giao phối2 giống như các con kiến đực.

2. Giai đoạn mà trong suốt quá trình đó một con ong chúa hoặc một con kiến chúa bay lên cùng với ong mật đực hoặc kiến đực và giao phối trong những điều kiện thời tiết nhất định.

Sự phân công lao động này rất độc đáo; một số làm việc cả đời, và một số chỉ ăn cho đến khi ra khỏi tổ. Dù có vẻ không công bằng nhưng rất tiết kiệm cho sự tồn tại của chúng trong thế giới sinh thái khốc liệt này. Còn đối với những động vật đẻ con khác, việc chăm sóc con cái và nuôi nấng riêng lẻ khiến chúng mất nhiều thời gian để hoàn thành một thế hệ và điều này rất rủi ro. Ngược lại, kiến ​​tối ưu hóa năng suất bằng cách xử lý một loạt các nhiệm vụ một cách nhanh chóng theo từng cấp độ. Ngoài ra, vì nhiều con kiến ​​thực hiện cùng một loại công việc đồng thời, nên ngay cả khi vấn đề xảy ra ở đâu đó thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ hoạt động. Điều này giống như một dây chuyền sản xuất trong nhà máy. Thật đáng kinh ngạc khi sự khôn ngoan như vậy lại đến từ những côn trùng nhỏ bé.

Cũng như có rất nhiều thứ cần phải chăm sóc cho dù chỉ đối với một gia đình, thì những con kiến ​​thợ cũng vẫn phải làm một khối lượng việc rất lớn trong vương quốc của loài kiến. Những con kiến thợ phân chia khối lượng công việc của chúng như thế nào? Điều này khác nhau tùy theo loài, nhưng thông thường chúng làm các loại công việc khác nhau khi chúng trưởng thành. Khi còn nhỏ, chúng chạy lăng xăng làm việc vặt ở gần kiến chúa, nhưng khi lớn hơn một chút, chúng chăm sóc trứng hoặc ấu trùng. Khi đến tuổi thanh niên, chúng hoạt động như kiến bảo mẫu, chăm sóc ấu trùng và nhộng lớn một cách nghiêm túc. Ở tuổi trưởng thành, chúng tiếp tục trung thành như những con kiến​​thợ, mang thức ăn từ bên ngoài đường hầm hoặc đào một đường hầm mới. Ngoài ra còn có kiến ​​quân đội với thân hình to lớn, đầu và cằm phát triển. Chúng là những người lính đáng tin cậy bảo vệ vương quốc và bảo vệ tổ khỏi kẻ thù, giống như tên của chúng cho thấy.

Những con kiến thợ đang chăm sóc trứng kiến
Sau khi cắt lá, những con kiến cắt lá tha các mảnh lá

Kiến cắt lá bắt đầu làm nông trước con người rất lâu, là một ví dụ hoàn hảo về sự phân công lao động. Kiến thợ cắt lá thu thập lá và phát triển nấm được chia thành bốn loại kể từ ngày chúng nở. Loại lớn nhất là kiến ​​quân đội và loại nhỏ nhất là kiến ​​vườn đen chuyên chăm sóc ấu trùng và nấm. Kiến cắt lá cỡ trung bình cắt và di chuyển những chiếc lá cần thiết cho việc trồng trọt, còn những con ​​nhỏ hơn thì làm bảo vệ, ở bên cạnh những con​​cỡ trung bình và bảo vệ chúng khỏi ruồi tachinid. Chính thực tế là mỗi con kiến trong số đó đều trung thành với vai trò mà chúng được giao khi sinh ra thật đáng kinh ngạc, và sức mạnh mà chúng thể hiện theo cách đó còn đáng kinh ngạc hơn. Lượng đất trung bình mà một đàn kiến ​​cắt lá đào được là 20m³, tương đương với 44 tấn. So với con người, nó có thể được ví như việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Đó thực sự là sức mạnh vô cùng to lớn nếu xem xét tới kích cỡ nhỏ bé của chúng.

Sự phân công lao động giữa loài kiến ​​đã tỏa sáng, đặc biệt trong những lúc khủng hoảng. Hãy quay trở lại tình huống giả định. Nếu bạn là kiến ​​quân đội, bạn sẽ tấn công kẻ xâm lược, và nếu bạn là kiến bảo mẫu, bạn sẽ sơ tán ấu trùng đến nơi an toàn. Bạn có thể là kiến ​​thợ sửa chữa những hư hỏng trong ngôi nhà. Trong xã hội loài kiến, trung thành với nhiệm vụ mà chúng được giao là cách để tất cả trở thành một, và là cách tồn tại để bảo vệ các thành viên của đàn.

Hy sinh vì đàn

Hầu hết những kiến thợ đều trung thành với đàn của mình, nhưng có những con kiến ​​thậm chí còn vượt xa sự trung thành và thể hiện sự hy sinh đẹp đẽ với những nhiệm vụ đặc biệt của chúng.

Kiến ong

Chúng là loài kiến ​​mật được tìm thấy ở các khu vực khô cằn ở Tây Nam Hoa Kỳ và Úc. Cái tên đặc biệt này khiến chúng ta liên tưởng đến một nhân vật hoạt hình nổi tiếng dường như bắt nguồn từ vai trò của một số kiến ​​thợ. Chúng dự trữ mật ong mà đồng loại mang đến ở trong bụng và treo ngược trên trần nhà xuống. Những con kiến ​​thợ siêng năng liên tục mang mật ong đến, làm đầy bụng của chúng, khiến chúng trở nên to gấp nhiều lần so với phần đầu. Trong khi đang chờ đợi với cơ thể sưng phồng khiến chúng gần như không thể di chuyển, cuối cùng cũng có con đến và gõ ăngten vào kiến mật. Đó là tín hiệu “đói” từ một con kiến ​​đồng loại. Sau đó, những con kiến mật tạm thời bước xuống và cho con kiến ​​đói một ít mật ong mà chúng đã cất giữ. Để tồn tại trong sa mạc nơi thiếu thức ăn và nước uống trong một thời gian dài, chúng phục vụ bầy mình bằng cách sử dụng cơ thể như một kho dự trữ sống.

Nhũng con kiến rùa mà đục lỗ trên cây to và sống bên trong những cái lỗ đã làm ra để né tránh hoàn toàn khỏi những kẻ xâm lược luôn tìm mọi cơ hội để tấn công vương quốc của chúng. Những con kiến ​​rùa lính có đầu rộng và phẳng mà chúng dùng để chặn lối vào đường hầm của kiến ​​và canh gác cả ngày. Nếu lối vào quá rộng, thì vài con kiến ​​sẽ đứng đó dùng đầu của chúng để chặn cửa. Khi một con kiến cùng đàn dùng ăngten gõ vào đầu chúng, chúng sẽ mở cửa, nhưng chúng không bao giờ mở cửa cho những con kiến ​​từ đàn khác. Chúng đứng cùng một chỗ mỗi ngày. Sự trung thành của chúng thật đáng kinh ngạc.

Những kiến thợ mộc thường được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới ở Malaysia thể hiện sự hy sinh cực độ. Có những loài kiến​​sử dụng nọc độc khi bị tấn công, và kiến ​​thợ mộc là một trong những loài đó. Các loài kiến khác sẽ tiêm nọc độc vào kẻ thù bằng cách đốt chúng. Tuy nhiên, kiến ​​thợ mộc sử dụng phương pháp tự hy sinh độc đáo được gọi là “thẩm tách tự thân”. Chúng tự làm vỡ bụng mình, tiết ra chất dịch dính có tẩm chất độc lên kẻ tấn công và chết ngay sau đó.

Sự cống hiến của Kiến thợ

Bước đầu tiên để thiết lập một vương quốc kiến​​lớn mạnh là duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa kiến ​​chúa và những con kiến thợ đầu tiên. Khi kiến ​​chúa trở nên đơn độc sau chuyến bay giao phối, nó không đi ra ngoài cũng như không ăn bất cứ thứ gì để nuôi con nhanh và an toàn. Kiến thợ trưởng thành đầu tiên cần siêng năng thu thập thức ăn và cho kiến​​chúa ăn. Nếu con kiến ​​thợ đầu tiên chết, kiến ​​chúa cuối cùng sẽ chết vì sinh sản liên tục và mất sức. Khi đó những con kiến ​​thợ còn lại không thể tồn tại lâu hơn nữa. Vì vậy, kiến ​​thợ đầu tiên và kiến ​​chúa có mối quan hệ không thể tách rời.

Không chỉ kiến chúa mới cần sự giúp đỡ từ các con kiến thợ, nhưng tất cả những con kiến đều cần sự giúp đỡ từ các kiến chị cho đến khi chúng trưởng thành hoàn toàn. Ấu trùng vừa nở ra khỏi trứng không có chân và không thể tự mình di chuyển được. Vì vậy, những con kiến thợ trưởng thành hơn sẽ mang thức ăn đến và cho những đứa em gái đang nheo nhóc và rên rỉ của chúng ăn. Ngoài ra, khi lột xác thành kiến trưởng thành, chúng không thể tự phá kén mà cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Những kiến ​​thợ trưởng thành chăm sóc những kiến ​​thợ thế hệ tiếp theo. Đây là cách những con ong thợ mà cống hiến cả đời của mình cho đàn đã yêu thương những em gái của mình.

Trong truyện ngụ ngôn của Aesop có tựa đề Con Kiến và Con Cào Cào, kiến ​​được miêu tả là loài côn trùng siêng năng tích trữ thức ăn cho tương lai thay vì ăn uống, thư giãn dưới bóng râm và tận hưởng thời gian rảnh rỗi. Trên thực tế, kiến ​​cần dự trữ đủ thức ăn vào mùa hè vì chúng không ngủ trong mùa đông. Theo câu chuyện ngụ ngôn, việc kiến ​​thợ đi tìm thức ăn là điều tự nhiên, nhưng trên thực tế, việc rời tổ và tìm thức ăn không phải là một việc dễ dàng đối với kiến thợ. Pogonomyrmex californicus – kiến nhặt hạt cây, là loài kiến ​​thợ gặt ở miền Tây Hoa Kỳ, thường phải chiến đấu với những con kiến ​​khác khi chúng rời tổ đi tìm kiếm thức ăn. Trong cuộc chiến khốc liệt để giành thức ăn ngon, khoảng 6% số kiến ​​chết mỗi giờ. Nhiều kiến ​​thợ khác cũng chết trong khi cố gắng tìm kiếm thức ăn do bị tấn công bởi những kẻ săn mồi hoặc bị lạc.

Trừ một số trường hợp đặc biệt do đặc tính của loài, tất cả các kiến ​​thợ đều là con gái của kiến ​​chúa. Chúng từ bỏ việc có con riêng và chỉ làm việc, giúp đỡ mẹ và các em trong suốt cuộc đời. Đây có lẽ là lý do chúng được gọi là “kiến thợ”. Các loài động vật nỗ lực tuyệt vọng để rời bỏ gen theo bản năng sinh học của chúng. Tuy nhiên, sự hiến thân của kiến ​​thợ vượt quá bản năng so với các loài động vật khác.

Kiến Chúa Đóng Vai trò then chốt trong vương quốc Kiến

Người thống trị tối cao trong vương quốc kiến​​là kiến ​​chúa. Kiến chúa có thể dễ bị hiểu nhầm là nhà độc tài chỉ ra lệnh vì cái tên “chúa”, nhưng điều này không hoàn toàn đúng khi bạn nhìn vào cuộc sống của chúng.

Nỗ lực trở thành kiến ​​chúa của một con kiến​​công chúa theo sau là cái chết của hàng ngàn con kiến. Kiến công chúa và kiến​​đực vốn đã sống chỉ chờ đến lúc sinh sản là bò hoặc bay đi tìm bạn tình. Tuy nhiên, những kẻ săn mồi như chim và chuồn chuồn nhằm chụp lấy khoảnh khắc khi con mồi của chúng bay xung quanh theo nhóm. Đáng buồn thay, hầu hết các con kiến​​đều bị ăn thịt hoặc chết do rơi xuống nước trong quá trình này.

Thậm chí chúng sống sót sau chuyến bay giao phối bằng cách bay nhanh bằng năng lượng dự trữ và trở thành kiến chúa, thì chúng vẫn phải đối mặt với một loạt vấn đề tiếp theo. Đó là phải tìm nơi thích hợp để ở mà không bị bắt bởi các kẻ săn mồi. Tuy nhiên, không có nhiều nơi kiến có thể sống dù là khu rừng với nhiều cây cổ thụ, một đường phố, hay một bãi đỗ xe trong khu chung cư. Ngay cả khi các kiến chúa hạ cánh thành công, nhiều con vẫn vô tình đậu xuống nơi đã bị chiếm hữu, và chết mà không đẻ được quả trứng nào. Điều này hết sức đa dạng tùy theo loài, nhưng chỉ khoảng 500 trong số 10 000 con kiến trở thành kiến chúa mà gây dựng thành công vương quốc của chính mình.

Sau khi tìm được nơi ở, kiến chúa trước tiên phải sử dụng chân giữa và chân sau để bẻ gãy cánh của mình. Vì nó chưa có con kiến thợ nào nên việc ra ngoài tìm thức ăn thật thật nguy hiểm. Nó kiếm dinh dưỡng bằng cách phá vỡ các cơ cánh không cần nữa, hoặc lấy chính mô mỡ bụng của mình. Bằng cách này nó nuôi các con non bằng chất dịch mà nó tiết ra từ tuyến nước bọt của chính mình. Cuộc sống của nó hoàn toàn thay đổi kể từ khi nó trở thành kiến công chúa, khi nó chỉ quen ăn sẵn mà không làm gì cả. Khi số lượng kiến thợ tăng dần lên, kiến chúa được giải phóng khỏi việc chăm con. Tuy nhiên, đến lúc này thì nó hoàn toàn kiệt sức vì đã không ăn gì trong suốt một khoảng thời gian. Từ lúc này, nó tiến hành nhiệm vụ sinh sản trong suốt cuộc đời, ăn thức ăn mà kiến thợ mang đến.

Nhìn thoáng qua thì trông có vẻ như kiến chúa sống cuộc sống vô cùng thoải mái, được phục vụ bởi các con kiến khác, nhưng thật đáng thương là nó phải đẻ trứng suốt đời. Mặc dù nó được gọi là chúa, nhưng nó không giống vua mà thống trị người dân. Nó là một kiến mẹ cống hiến cả cuộc đời mình cho việc xây dựng, duy trì tổ và nuôi dạy con.

Vương quốc của kiến được hình thành như thế sẽ tồn tại cho đến tận khi kiến chúa chết đi và kiến thợ cuối cùng làm xong công việc của nó. Trong khi đó nhiều kiến công chúa và kiến đực được sinh ra, và cạnh tranh để tồn tại. Nếu chúng thành công, chúng có thể gây dựng một vương quốc kiến đáng ngạc nhiên hơn nữa.

Con người và tất cả các loài sinh vật khác tồn tại trong hệ sinh thái trên trái đất đều là loài động vật xã hội sống cùng với hệ thống phát triển cao. Xã hội loài kiến tương đồng với xã hội loài người trong nhiều khía cạnh, như là phân công lao động có tổ chức, và các cuộc chiến sinh tồn khốc liệt. Chẳng phải con người nên học kĩ năng làm việc nhóm và hy sinh mà đã gắn liền với các loài kiến từ kỉ nguyên đại trung sinh hay sao?

“Hỡi kẻ biếng nhác, hãy đi đến loài kiến; Khá xem xét cách ăn ở nó mà học khôn ngoan. Tuy nó không có hoặc quan tướng, Hoặc quan cai đốc, hay là quan trấn, thì nó cũng biết sắm sửa lương phạn mình trong lúc mùa hè, và thâu trữ vật thực nó trong khi mùa gặt.” Châm Ngôn 6:6–8

​Tham khảo
Choi Jae-cheon, 『Khám phá đế chế của kiến』, Sách Khoa học, 1999
Bert Hölldobler, Edward O. Wilson, 『Hành trình đến những con kiến』, Nhà xuất bản Belknap, 1994
Nam Sahng-ho, 「Thế giới loài kiến, Hình ảnh thu nhỏ của xã hội Loài người」, 『Nhà xuất bản Khoa học Donga』 Phát hành lần thứ 9, 1994