Hãy Đi Dạy Dỗ Muôn Dân

17,043 lượt xem

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta lời phán rằng “Hãy đi dạy dỗ muôn dân.” Chúng ta đã và đang dốc hết sức và nhiệt tình, trông cậy và vâng phục lời phán này, coi trọng việc dạy dỗ muôn dân hơn bất cứ điều gì.

Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có tư cách để đi dạy dỗ muôn dân. Thông qua Kinh Thánh, chúng ta hãy tìm hiểu về điều kiện tư cách của người truyền đạo mà Đức Chúa Trời sai đi, và nhìn lại xem chúng ta ngày nay có điều gì thiếu thốn với tư cách là người truyền đạo rao truyền Tin Lành hay không.

“…Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Mathiơ 28:16-20

Câu “dạy dỗ muôn dân” được chép trong Kinh Thánh tiếng Anh là ‘make disciples’, có nghĩa là “làm ra môn đồ”. Tất thảy mọi thứ mà thầy giáo có, tức là tất thảy tấm lòng ân huệ yêu thương, tin tưởng Đức Chúa Trời, và làm theo lời phán của Ngài, sẽ được truyền đạt y nguyên cho môn đồ, và môn đồ được kế thừa tất thảy tấm lòng ấy. Nên trước tiên, người thầy giáo, người làm ra môn đồ, phải có đầy đủ, trọn vẹn những điều mà người truyền đạo cần phải có. Bởi vì chỉ người thầy giáo có tinh thần tuyệt vời và đức tin tuyệt vời mới đào tạo ra được môn đồ tuyệt vời. Nếu không thì người thầy giáo chỉ trở thành tấm gương không tốt cho các môn đồ, và chỉ rao truyền những điều xác thịt, những ham muốn loài người cho môn đồ mà thôi.

Cho nên, những môn học mà chúng ta phải rao truyền và dạy dỗ là những điều mà Đức Chúa Trời đã truyền và phán dặn chúng ta. Chúng ta đang trong quá trình học tập văn hoá của Nước Thiên Đàng và phong tục tập quán của thế giới linh hồn, nên cần phải siêng năng học tập hơn nữa, và hãy có đầy đủ tư cách rao truyền cho muôn dân những điều chúng ta đã học để trở thành những người truyền đạo Tin Lành khiến Đức Chúa Trời vui lòng.

Vậy trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu một số yếu tố tư cách của người truyền đạo mà Đức Chúa Trời trông mong.

Yếu tố tư cách của người truyền đạo mà Đức Chúa Trời trông mong

Trước tiên, người truyền đạo phải là người sung mãn Đức Thánh Linh.

“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari, cho đến cùng trái đất.” Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8

Công việc Tin Lành được hoàn thành không bởi kế hoạch, sự khôn ngoan, và tri thức của loài người nhưng bởi Đức Chúa Trời, nên người truyền đạo phải là người vâng phục và làm theo sự dẫn dắt và chỉ đạo của Đức Thánh Linh. Khi có trọn vẹn tấm lòng luôn hớn hở làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì lúc ấy mới có tư cách của người truyền đạo. Phải là những người như vậy mới có thể được gọi là những người truyền đạo xứng đáng trong mắt Đức Chúa Trời.

Vào bất kỳ thời đại nào, khi ai đó có đức tin biết vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời hơn là làm theo ý kiến, sự cố chấp và suy nghĩ của bản thân, thì Đức Chúa Trời đã dùng người đó làm đấng tiên tri, và dùng làm công cụ Tin Lành để rao truyền lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xác minh sự thật này thông qua tất thảy lịch sử Tân Cựu Ước.

Chúng ta cũng phải trở thành người truyền đạo chỉ vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời, mặc lấy sự sung mãn của Đức Thánh Linh và biết quí trọng việc thực tiễn theo y nguyên lời của Đức Chúa Trời. Chỉ khi truyền đạo bằng tấm lòng như vậy thì chúng ta mới có thể gặt hái được kết quả xứng đáng khiến Đức Chúa Trời vui lòng.

Thứ hai, người truyền đạo phải có niềm xác tín vào sự cứu rỗi.

“Chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống… nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta… chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.” I Giăng 5:11-15

Trên hết, chúng ta phải trở thành những người truyền đạo biết rao truyền rằng chỉ duy nhất ở trong Đức Chúa Trời, và bởi đức tin vào danh của Đức Chúa Trời chúng ta mà chúng ta mới được cứu rỗi, và chính bản thân người truyền đạo phải xác quyết rằng mình được cứu rỗi, lại phải biết bày tỏ chứng cớ ấy cho người nghe. Chúng ta không nên trông cậy vào suy nghĩ và sự khôn ngoan của loài người mà hãy có tấm lòng trông cậy vào chỉ riêng Đức Chúa Trời, thì sẽ thực tiễn được những điều mà Đức Chúa Trời đã dạy dỗ.

Chúng ta có niềm tin xác tín vào sự cứu rỗi bởi chúng ta theo sự dẫn dắt của Thánh Linh và Vợ Mới. Chúng ta phải rao truyền niềm tin xác tín này cho các môn đồ. Một khi chúng ta hiểu về Đức Chúa Trời, một khi sự cảm động trong giây phút được mở mắt linh hồn và nhìn xem được thế giới linh hồn nhờ sự trông mong lời lẽ thật mà Đức Chúa Trời ban cho được ấn tượng sâu sắc vào bản thân một cách cảm kích, thì chúng ta cũng có thể truyền đạt nỗi cảm động ấy cho môn đồ. Khi chúng ta truyền với niềm tin xác tín về những giây phút đức tin mạnh mẽ nhất mà chính bản thân chúng ta đã trải nghiệm, thì kể cả những người không có niềm tin xác tín về sự cứu rỗi cũng có thể tin chắc vào Đức Chúa Trời và cầu khẩn sự phước lành từ Đức Chúa Trời.

Thứ ba, người truyền đạo phải là người có tấm lòng không chịu được nữa nếu không rao truyền.

“… Nếu tôi nói: Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa, thì trong lòng tôi như lửa đốt cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt mỏi vì nín lặng, không chịu được nữa.” Giêrêmi 20:7-9

Những người có tấm lòng như trên có thể được gọi là những người có tư cách của người truyền đạo. Người rao truyền Tin Lành theo hình thức thế nào đó và theo sự khuyến dụ của người khác thì không phải là người truyền đạo mà Đức Chúa Trời trông mong. Khi chúng ta có niềm tin xác tín vào sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời hứa ban cho dù người ta khuyến dụ hay không khuyến dụ, và khi chúng ta có tấm lòng không chịu được nữa nếu không rao truyền thì chúng ta mới có thể trở thành người truyền đạo có tư cách đi làm ra môn đồ.

Vào thời đại cuối cùng này, là thời kỳ đang được ứng nghiệm các lời tiên tri trong Kinh Thánh như: nhiều nơi trên thế gian sẽ có động đất, đói kém, các dân và các nước sẽ dấy lên nghịch cùng nhau, sẽ có những điềm lạ kinh khiếp và dấu lớn ở trên trời, chúng ta phải rao truyền lời sự sống mà Đức Chúa Trời cho phép thì mới có thể cứu sống những người đang chết dần, nên chúng ta phải rao truyền Tin Lành với tấm lòng không chịu được nữa nếu không rao truyền, và tấm lòng khẩn thiết mà trong lòng như lửa đốt cháy.

Nếu rao truyền với tấm lòng không đốt cháy thì kể cả người nghe cũng tiếp nhận Tin Lành trong trạng thái hâm hẩm không đốt cháy. Để thực tiễn việc của Đức Chúa Trời, dù là việc nhỏ, chúng ta cũng phải làm hết lòng, và phải rao truyền Tin Lành với tấm lòng khẩn thiết thì mới có thể cứu rỗi được một linh hồn. Sở dĩ có thể dạn dĩ làm chứng ngay cả trước những người không thích nghe lời của Đức Chúa Trời là vì người ấy có tấm lòng nóng bỏng đốt cháy.

“… Nhưng Phierơ và Giăng trả lời rằng: Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? Vì, về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe.” Công Vụ Các Sứ Đồ 4:16-20

Các sứ đồ đã dạn dĩ kêu la và làm chứng trước những người lãnh đạo tôn giáo giả dối của thế gian. Chúng ta có thể biết được rằng sở dĩ Đức Chúa Trời lựa chọn chúng ta, cho chúng ta được thấy, được nghe, được cảm nhận và được hiểu lời của Đức Chúa Trời là vì ý muốn rằng vào thời đại này chúng ta phải đi rao truyền những điều đã được thấy, được nghe.

Thế nên, trong Mathiơ chương 28, Đức Chúa Trời cũng đã phán rằng “Hãy đi”, chứ không phán rằng “Hãy đi đến nơi được mời.” Chúng ta hãy đi bất cứ nơi nào, rao truyền về những điều chúng ta đã thấy, đã nghe, bằng tấm lòng nóng bỏng, để bày tỏ ra vinh hiển của Đức Chúa Trời và kết trái sự sống quí báu biết vâng theo trọn vẹn lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời.

Thứ tư, người truyền đạo phải sở hữu đức tin mạnh mẽ không hề hổ thẹn về Tin Lành.

“Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ chẳng tin.” Rôma 1:16

Người rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Trời phải là người sở hữu đức tin mạnh mẽ và nghị lực biết thương xót những người không tiếp nhận Tin Lành, phải dạn dĩ rao truyền Tin Lành, chứ không nên hổ thẹn về Tin Lành.

Khi rao truyền Tin Lành đôi khi cũng gặp phải sự huỷ báng của những người thế gian không biết lẽ thật, đôi khi cũng bị chế giễu và bắt bớ. Tuy nhiên, chúng ta phải rao truyền y nguyên những điều mà Đức Chúa Trời đã phán dặn dù những người thế gian thích hay không thích.

Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi chỉ thông qua Tin Lành, và từ Tin Lành phát ra sức mạnh và quyền thế giúp dẫn dắt loài người đi vào Nước Thiên Đàng vĩnh cửu, nên chúng ta phải có lòng tự hào mà rao truyền Tin Lành. Hãy rao truyền Tin Lành bằng sự khôn ngoan và năng lực mà Đức Chúa Trời ban cho để trở thành người truyền đạo Tin Lành đường đường chính chính không hề hổ thẹn về việc rao truyền Tin Lành trong bất cứ tình huống nào.

Thứ năm, người truyền đạo phải được trang bị lời của Đức Chúa Trời.

“anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời… Nhưng lời của Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em.” I Phierơ 1:23-25

Công việc Tin Lành của Đức Chúa Trời không phụ thuộc vào số lượng người nhiều hay ít. Người có lời của Đức Chúa Trời hằng sống và dịch chuyển trong lòng, chính là người có tư cách của người truyền đạo rao truyền Tin Lành.

Phải được trang bị sung mãn lời sự sống mãi mãi không hề thay đổi thì chúng ta mới có thể trở thành những người truyền đạo khôn ngoan biết chia sẻ đồ ăn phần linh hồn đúng giờ. Có như thế chúng ta mới có thể làm ra môn đồ nhờ lời mà chúng ta được nhận từ Đức Chúa Trời, và chỉ dẫn họ sống đúng đắn trong ý muốn của Đức Chúa Trời, phải không?

Thứ sáu, người truyền đạo phải là người biết châm cho ngọn lửa của Đức Thánh Linh cháy trong lòng họ bởi cầu nguyện.

“Samuên đáp cùng dân sự rằng… Đức Giêhôva vì cớ danh lớn mình, sẽ chẳng từ bỏ dân sự Ngài; chỉn thật, Đức Giêhôva đã định các ngươi làm dân sự của Ngài. Còn ta (Samuên) đây, cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giêhôva mà thôi cầu nguyện cho các ngươi. Ta sẽ dạy các ngươi biết con đường lành và ngay…” I Samuên 12:20-25

Samuên, người được gọi là thầy tế lễ trung tín làm theo tấm lòng và ý muốn của Đức Chúa Trời, đã nói rằng sẽ chẳng phạm tội cùng Đức Chúa Trời mà thôi cầu nguyện cho người dân.

Một khi không làm nóng lên tấm lòng mình thì không thể làm nóng lên tấm lòng của người khác. Chúng ta không nên chờ đợi người khác châm lửa cho, mà phải có sự khôn ngoan biết tự châm lửa đức tin cho mình. Khi chúng ta, những người truyền đạo, rao truyền Tin Lành với đức tin hướng về Đức Chúa Trời và không ngừng cầu nguyện thì ngọn đuốc lửa lẽ thật sẽ bùng cháy, và chúng ta có thể lấy muôn dân làm môn đồ.

Người truyền đạo là thầy thuốc phần linh hồn biết điều trị bệnh của linh hồn bằng tình yêu thương

Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta không được quên. Đó là sự thật rằng khi Đức Chúa Trời đến thế gian ban sự cứu rỗi cho loài người, và để lại dấu chứng sự sống đời đời, Ngài đến để cứu rỗi kẻ có tội, chứ không phải đến để cứu kẻ công bình. Cho nên, trong Kinh Thánh, Đức Chúa Jêsus, là Đấng đến thế gian để cứu rỗi tội nhân, được ví với thầy thuốc.

“Đức Chúa Jêsus nghe điều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khoẻ mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh. Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.” Mathiơ 9:12-13

Chúng ta đều đã mắc phải bệnh “tội lỗi” phải bị chết đời đời. Để chữa trị bệnh chí mạng ấy, Đấng Christ đã đến thế gian này và mang theo phương pháp chữa trị là tình yêu thương, sự hy sinh và lòng thành. Với danh nghĩa tình yêu thương, Đấng Christ đã trở thành của lễ hy sinh của tế lễ chuộc tội thế cho chúng ta.

Nếu đã hiểu tình yêu thương này của Đấng Christ, chúng ta phải cứu những linh hồn đang mắc bệnh chết bằng phương pháp chữa trị của Đấng Christ là tình yêu thương, sự hy sinh và lòng thành, với tư cách là thầy thuốc cần thiết cho người bệnh.

Chúng ta hãy xem câu chuyện về thần y Heo Joon ở thời đại Chosun, để tìm hiểu về tấm lòng mà chúng ta phải có với tư cách là thầy thuốc phần linh hồn. Cho đến khi trở thành thần y có danh tiếng, Heo Joon đã có rất nhiều sự hiểu biết chuyển đổi từ y thuật thành nhân thuật (仁術).

Chuyện xảy ra khi Heo Joon đang làm thầy thuốc ở một ngôi làng. Một ngày nọ, một phụ nữ chạy đến, thở hổn hển, và yêu cầu Heo Joon sắc bất kỳ thang thuốc nào, bởi mẹ cô ấy sắp chết. Heo Joon thật khó xử vì không những không biết bệnh danh, lại càng không thể tự ý sắc thuốc, bởi ông là thầy thuốc phải chịu trách nhiệm về sự sống của bệnh nhân.

Đột nhiên, từ đâu đó có tiếng kêu rằng “Ba thang hoắc hương chính khí tán”. Thấy ngạc nhiên và lạ kỳ, Heo Joon nhìn hướng về phía có tiếng kêu thì thấy một ông lão mặc áo rách nát đang thúc giục mình sắc nhanh ba thang hoắc hương chính khí tán. Heo Joon đã sắc ba thang hoắc hương chính khí tán theo lời của ông lão, còn bệnh nhân dùng thuốc ấy đã bảo tồn được sự sống.

Sau đó, một người mẹ chồng chạy đến, vội vàng nài xin Heo Joon sắc thuốc để cứu sống con dâu đang chết dần vì đau bụng. Khi ấy, Heo Joon lại một lần nữa nghe thấy tiếng của ông lão rằng “Hãy sắc ba thang hoắc hương chính khí tán.” Vừa nghĩ ông lão thật là khác thường, Heo Joon vừa sắc cho người mẹ chồng ba thang thuốc hoắc hương chính khí tán. Bệnh nhân uống thuốc ấy cũng hoàn toàn khỏi bệnh, và không quên chào cảm tạ Heo Joon.

Mấy ngày sau, một bệnh nhân mắc bệnh khác tìm đến Heo Joon, nói rằng bệnh tình mình đang trong tình trạng nguy kịch. Lúc này, ông lão cũng xuất hiện và lại cũng yêu cầu sắc ba thang hoắc hương chính khí tán giống như lần trước. Heo Joon đã sắc thuốc theo như lời của ông lão, rồi bệnh nhân lành bệnh nhờ uống thuốc ấy cũng tìm đến để chào hỏi Heo Joon. Nên Heo Joon đã rất nghi hoặc.

“Tại sao cùng một loại thuốc có thể chữa lành các loại bệnh khác nhau như vậy?”

Heo Joon đi theo ông lão và hỏi nguyên do. Ông lão đã trả lời như sau:

“Cậu nghĩ rằng thuốc có thể làm người ta khỏi bệnh được sao? Đó chỉ là suy nghĩ của thầy thuốc có trình độ thấp mà thôi. Thầy thuốc có trình độ cao phải biết chữa trị bệnh bằng khí vận của tình yêu thương. Tôi cho cậu biết điều này vì thấy cậu có thái độ chân thành với nghề y.”

Lúc ấy, Heo Joon mới hiểu biết ra rằng khí vận của tình yêu thương được phát ra từ thầy thuốc gây nên cảm hứng cho bệnh nhân, và cảm hứng ấy mang lại đức tin trong lòng bệnh nhân khiến trị được bệnh, đồng thời cũng hiểu ra rằng khi người chăm sóc bệnh nhân dùng hết lòng thành đun thuốc và cho bệnh nhân uống đúng giờ, thì không có bệnh nhân nào không lành bệnh cả.

Lời dạy dỗ như trên của ông lão đã mở cho Heo Joon một tầm nhìn mới về y thuật, khiến Heo Joon trở thành một thần y danh tiếng nhất thiên hạ, biết chia sẻ nhân thuật (仁術) chân chính . Thông qua câu chuyện trên, hãy kiểm điểm xem chúng ta có đang rao truyền Tin Lành mà không biết trọng tâm tình yêu thương chí thánh của Đức Chúa Trời hay không, giống như khi còn là một thầy thuốc làng, Heo Joon chỉ bị ràng buộc bởi thuốc, mà không phát hiện ra sức mạnh lớn lao của thuốc.

Tình yêu thương là sự hy sinh và lòng thành

“Đức Chúa Trời là sự yêu thương.” (I Giăng 4:8), “Yêu thương là sự làm trọn luật pháp.” (Rôma 13:10), “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau.” (Giăng 13:34). Đức Chúa Trời đã đích thân hy sinh và hiến thân bằng tình yêu thương lớn lao vì chúng ta, dành hết lòng thành để chữa trị cho chúng ta, là những bệnh nhân phần linh hồn không tránh khỏi sự chết.

Chúng ta là những người noi theo sau Đức Chúa Trời, là Thầy Thuốc phần linh hồn, và được ban cho sứ mệnh và năng lực để có thể chữa trị cho nhân loại. Khi thầy thuốc dành tình yêu thương và lòng thành khẩn thiết cho bệnh nhân, chữa trị một cách đầy nhiệt huyết, thì bệnh nhân sẽ tràn ngập lòng tin tưởng vào thầy thuốc, và bệnh tật có thể được chữa sạch. Chúng ta cũng phải có tư thế giống người thầy thuốc như vậy khi rao truyền Tin Lành. Cho nên có thể thấy rằng tình yêu thương là sự hy sinh và lòng thành.

Tất thảy mọi luật lệ được lập ra bởi tình yêu thương, sự hy sinh và lòng thành lớn lao của Đức Chúa Trời hướng về chúng ta, nên đó chính là nhân thuật được chia sẻ bởi thầy thuốc có cấp bậc cao nhất. Hơn nữa, Đức Chúa Trời cũng đã ban cho mỗi cá nhân chúng ta các sự ban cho đa dạng của Đức Thánh Linh để chúng ta có thể rao truyền Tin Lành. Thế nên, chúng ta, là những người đã mặc lấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời, phải làm chứng về nước sự sống chảy ra từ đền thờ Giêrusalem tuỳ theo sự ban cho của Đức Thánh Linh.

“Kế đó, người dẫn ta đem ta về cửa nhà; và nầy, có những nước văng ra từ dưới ngạch cửa, về phía đông; vì mặt trước nhà ngó về phía đông; và những nước ấy xuống từ dưới bên hữu nhà, về phía nam bàn thờ. Người đem ta ra bởi đường cổng phía bắc, và dẫn ta đi vòng quanh bởi đường phía ngoài, cho đến cổng ngoài, tức là bởi đường cổng hướng đông; và nầy, có những nước chảy về bên hữu. Người dẫn ta sấn lên phía đông, tay cầm một cái dây, lấy dây đo được một ngàn cuđê; người khiến ta lội qua nước, nước vừa đến mắt cá ta. Người lại đo một ngàn, và khiến ta lội qua nước, nước vừa đến đầu gối ta. Người lại đo một ngàn, và khiến ta lội qua nước, nước lên đến hông ta. Người lại đo một ngàn nữa; bấy giờ là một con sông, ta không lội qua được; vì nước đã lên, phải đạp bơi; ấy là một con sông mà người ta không có thể lội qua… và khi đã chảy về biển, nước biển sẽ trở nên ngọt. Khắp nơi nào sông ấy chảy đến, thì mọi vật hay sống tức là vật động trong nước, đều sẽ được sống; và ở đó sẽ có loài cá rất nhiều. Nước ấy đã đến đó thì biển trở nên ngọt, và khắp nơi nào sông ấy chảy đến thì mọi vật sẽ sống ở đó…” Êxêchiên 47:1-12

Nếu nước chảy ra từ đền thờ chỉ cứ quanh quẩn mãi ở đền thờ thì sẽ không phát huy được giá trị thực của nó. Chỉ khi nước sự sống này chảy ra thấm đẫm toàn xã hội loài người thì mới có thể cứu sống được linh hồn. Chúng ta hãy trở thành các đấng tiên tri có đủ yếu tố tư cách của người truyền đạo Tin Lành, đi ra không chỉ Hàn Quốc, mà ra tới tận xứ Samari, cho đến cùng trái đất, để lấy nhiều dân tộc làm môn đồ, và dạy dỗ họ giữ hết thảy mọi điều mà Đức Chúa Trời đã truyền cho chúng ta.