Vào hôm Đức Chúa Jêsus giáng sinh, những người chăn chiên ngoài đồng đang canh giữ bầy chiên của mình. Tháng 12 là giữa mùa đông ở Ysơraên thì liệu có thể chăn thả chiên được chăng?

897 Xem

Ysơraên nằm giữa Địa Trung Hải và sa mạc Ả Rập, có mùa xuân và mua thu ngắn, mùa hè và mùa đông dài, và có sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn. Đó là do nước này nằm ở vùng khí hậu Địa Trung Hải giao thoa với khí hậu cận nhiệt đới.

Mùa đông ở Ysơraên là mùa mưa nên thường xuyên có mưa và nhiệt độ giảm mạnh. Bởi vậy, người ta thường lùa chiên về chuồng ít nhất là trước tháng 10 để chúng có thể kịp trú đông ở đó. Vậy nên, việc canh giữ bầy chiên ngoài đồng vào giữa mùa đông tháng 12 là rất khó, nhất là vào ban đêm.

Sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus

Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta có thể biết rằng khi những người chăn chiên đang canh giữ bầy chiên ngoài đồng vào ban đêm thì nghe được tin về sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus từ một thiên sứ.

Ai nấy đều đến thành mình khai tên vào sổ. Vì Giôsép là dòng dõi nhà Đavít, cho nên cũng từ thành Naxarét, xứ Galilê, lên thành Đavít, gọi là Bếtlêhem, xứ Giuđê, để khai vào sổ tên mình và tên Mari, là người đã hứa gả cho mình, đương có thai. Đang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Mari đã đến. Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở. Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa đến gần họ, và sự vinh hiển của Chúa chói lòa xung quanh, họ rất sợ hãi. Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đavít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa. Nầy là dấu cho các ngươi nhìn nhận Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ. Luca 2:3-12

Việc những người chăn chiên canh giữ bầy chiên ban đêm ngoài đồng vào ngày Đức Chúa Jêsus giáng sinh là chứng cứ gián tiếp chứng minh Đức Chúa Jêsus đã không giáng sinh vào mùa lạnh. Nói cách khác, điều này có nghĩa là 25 tháng 12 không phải ngày sinh của Đức Chúa Jêsus. Vậy tại sao nhiều nhà thờ kỷ niệm ngày 25 tháng 12 như thể đây là ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus dù Ngài không sinh ra vào hôm đó?

Nguồn gốc của lễ giáng sinh

Cơ Đốc giáo đã du nhập vào La Mã, được hoàng đế Constantine công nhận vào năm 313 sau công nguyên rồi trở thành quốc giáo của đế quốc La Mã. Về sau, các Cơ Đốc nhân cảm thấy cần phải kỷ niệm ngày sinh của Đức Chúa Jêsus. Tuy nhiên, vì không thể tìm thấy ngày tháng trong Kinh Thánh nên người ta đã đưa ra một số ngày được ước đoán là ngày sinh của Đức Chúa Jêsus.

Cho đến đầu thế kỷ thứ 3, khi chưa có quyết định nào về ngày sinh của Đức Chúa Jêsus, mọi người đã kỷ niệm vào một ngày bất kỳ trong tháng 3, tháng 5 hoặc tháng 11. Rồi ngày 25 tháng 12 lần đầu tiên được đề ra bởi Hippolytus, một trong những cha xứ của hội thánh La Mã. Dù không có bất cứ cơ sở chính xác nào, người này đã đưa ra giả định rằng người nữ đồng trinh Mari đã chịu thai Đức Chúa Jêsus vào ngày 25 tháng 3 và khẳng định chắc nịch rằng Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh vào ngày 25 tháng 12. Khi đó, chủ trương của ông ta không nhận được nhiều sự chú ý.

Mặt khác, hội thánh ở Giêrusalem tại phương đông đã ấn định một ngày đầu tháng giêng làm ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus đồng thời cũng làm ngày Đức Chúa Jêsus chịu phép Báptêm. Rồi họ đã kỷ niệm ngày này lần lượt tại Bếtlêhem và sông Giôđanh. Tuy nhiên, người ta bắt đầu phàn nàn về việc khó để đi đến hai địa điểm cách nhau hơn 30㎞ trong một ngày.

Khi sự phàn nàn ngày càng thêm, giám mục của hội thánh Giêrusalem bấy giờ đã viết thư cho Julius, là giám mục lúc đó của hội thánh La Mã để yêu cầu ông tiết lộ ngày sinh thực sự của Đấng Christ. Julius đã gửi thư phản hồi rằng ông coi 25 tháng 12 là ngày sinh nhật của Đức Chúa Jêsus như Hippolytus đã đề xuất. Cuối cùng, lễ giáng sinh bắt đầu được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 kể từ thời của giáo hoàng Liberius vào năm 354 sau công nguyên. Kể từ đó, ngày này được công nhận là ngày lễ chính thức, dần dần được lập làm ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus và được kỷ niệm trên toàn thế giới.

Thực ra ngày 25 tháng 12 không phải tự nhiên mà có. Theo lịch sử hội thánh, ngày 25 tháng 12 xuất phát từ một lễ hội ngoại đạo có trước cả khi Đức Chúa Jêsus đến. Vào tháng 12, ba lễ hội là Saturnalia, Sigillaria và Brumalia lần lượt được tổ chức tại La Mã.

Saturnalia là lễ hội được kỷ niệm để tôn vinh thần nông trong khoảng mười ngày bắt đầu từ giữa tháng 12. Trong thời gian này, mọi người ra đường để ăn uống, vui chơi thỏa thích không phân biệt thân phận quý tộc hay nô lệ. Sigillaria tổ chức cuối tháng 12 là ngày tặng búp bê cho trẻ em, và Brumalia là lễ hội đông chí dành cho những người thờ thần mặt trời để kỷ niệm sự ra đời của mặt trời.

Ngày đông chí xảy ra vào ngày 25 tháng 12, có ban ngày ngắn nhất trong năm, khi mặt trời ở độ cao thấp nhất. Họ tin rằng đó là ngày sinh của mặt trời vì từ hôm đó, ngày bắt đầu dài hơn và năng lượng mặt trời ngày càng nhiều hơn. Họ đã dễ dàng liên kết ngày đông chí của người La Mã với giáo lý của Cơ Đốc giáo như thế này. Kinh Thánh miêu tả Đấng Christ là sự sáng. Thế nên đối với họ, không có vấn đề gì khi đánh đồng thần mặt trời với Đức Chúa Jêsus.

Cách giải thích này không tệ đối với cả Cơ Đốc nhân vốn bị đàn áp bởi La Mã và đối với La Mã đang cần một bộ giá trị thống nhất để thống nhất đế quốc. Những người La Mã tin vào thần mặt trời Mithra đã không còn lý do để bắt bớ những Cơ Đốc nhân tôn thờ Đấng Christ là mặt trời nữa. Hơn nữa, các Cơ Đốc nhân có thể tìm dịp tụ họp với ý nghĩa riêng của họ vào những lễ hội hối hả và nhộn nhịp của người ngoại đạo. Việc giữ gìn các lễ hội của người ngoại đạo trong nhà thờ được coi là cuộc chinh phục người ngoại đạo của Cơ Đốc giáo.

Kể từ đó, nhiều phong tục ngoại đạo như cây thông Nôen và các bài hát mừng được thêm vào và thương mại hóa. Và ngày 25 tháng 12 đã được vững lập như ngày lễ quốc tế được cả thế giới yêu thích. Ngày nay, hầu hết mọi người đều bối rối và nghi hoặc khi được cho biết ngày 25 tháng 12 không phải ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus.

Thờ lạy Đức Chúa Trời bằng điều răn của loài người là vô ích

Sau cuộc cải cách, những tín đồ ngoan đạo kiên quyết từ chối kỷ niệm ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus vào 25 tháng 12 sau khi biết rõ bối cảnh về cách lễ giáng sinh được tạo ra. Đây là trường hợp của những người Thanh giáo nắm quyền kiểm soát Quốc hội Anh vào năm 1644. Đến năm 1659, bang Massachusetts, Mỹ, chính thức cấm lễ giáng sinh.

Vì đã quen với những truyền thống sai lầm trong nhiều năm qua, nên dù nhiều người biết rằng điều đó là không đúng nhưng người ta vẫn xem nhẹ nó. Một số người nói bản thân việc Đức Chúa Trời đến trái đất này để giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi và đau khổ đã có ý nghĩa rồi. Họ cho rằng ngày tháng Đức Chúa Jêsus ra đời không quá quan trọng, và việc kỷ niệm ngày sinh của Đức Chúa Jêsus vào ngày nào cũng không thực sự quan trọng. Một nhà thần học lại lập luận rằng “Còn điều gì dĩ nhiên hơn việc các Cơ Đốc nhân kỷ niệm sự giáng sinh của Ngài, là “sự sáng của thế gian” và “mặt trời công lý” vào chính ngày này (giáng sinh của thần mặt trời)?”

Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc ngày 25 tháng 12 không liên quan đến giáng sinh của Đức Chúa Jêsus thôi đâu, mà đó còn là ngày để hầu việc thần khác, là điều mà Đức Chúa Trời ngăn cấm. Lễ giáng sinh là mưu kế lừa dối của Satan nhằm khiến chúng ta phản bội điều răn của Đức Chúa Trời, rằng không được có thần khác trước mặt Đức Chúa Trời, và không được hầu việc hình tượng.

Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối; vật chi cay trở cho là ngọt, vật chi ngọt trở cho là cay! Êsai 5:20

Bằng cách đưa ra những lý do chính đáng khiến chúng ta nghĩ rằng mình đang hầu việc Đức Chúa Trời tốt hơn, Satan đang bày ra những mưu kế nhằm khiến chúng ta không chút do dự mà đi ngược lại ý muốn của Đức Chúa Trời. Con đường đó tuyệt đối không phải con đường dẫn đến sự cứu rỗi, song lại là con đường dẫn đến sự hủy diệt. Tuy nhiên, nếu không phân biệt được chân thật với giả dối, chúng ta sẽ không thể trông thấy con đường đúng đắn.

Để không đi chệch khỏi con đường dẫn đến sự cứu rỗi bởi vấp phải mưu kế xảo quyệt của Satan, chúng ta phải đặt lời của Đức Chúa Trời làm trọng tâm. Việc giữ những ngày người ngoại đạo hầu việc các thần khác với lý do hầu việc Đức Chúa Trời trong khi không giữ điều răn và phép đạo của Đức Chúa Trời là chọc giận Đức Chúa Trời chứ nói gì đến nhận phước lành. Việc kỷ niệm ngày 25 tháng 12 như ngày sinh của Đấng Christ là hành vi tôn kính hình tượng khiến Đức Chúa Trời không đẹp lòng không thể được biện minh hoặc hợp lý hóa bằng bất cứ lý do nào. Đây không phải điều răn của Đức Chúa Trời mà chỉ là điều răn do con người làm ra, đến Đức Chúa Jêsus và các sứ đồ còn chưa lần nào giữ.

“Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra.” Mathiơ 15:8-9

Chung quy lại, quý vị không thể hầu việc Đức Chúa Trời đúng đắn bằng điều răn của loài người. Thay vì bị cuốn theo những điều đang diễn ra trên thế gian và làm theo điều răn của loài người khiến cho xa cách với Đức Chúa Trời, chúng ta nên hầu việc Đức Chúa Trời một cách chân thật thông qua điều răn của Đức Chúa Trời như ngày Sabát và Lễ Vượt Qua được ghi chép trong Kinh Thánh và trở thành con cái trên trời nhận lãnh phước lành từ Đức Chúa Trời.