Không làm tổn thương cũng không để bị tổn thương

Mọi người có xu hướng làm tổn thương và bị tổn thương bởi những người thân thiết. Cần có sự cân nhắc và thấu hiểu để có một gia đình hòa thuận mà không ai bị tổn thương.

3426 Xem

Vết thương là một chấn thương hoặc một vùng bị tổn thương trên cơ thể. Không chỉ thể xác mà tinh thần cũng có những vết thương. Không giống như vết thương trên cơ thể, vết thương trong tâm trí là vô hình nên rất dễ bị bỏ qua. Vết thương thấy được thì có thể điều trị bằng thuốc, nhưng lại khó có thể tự mình chữa lành được vết thương trong tâm trí.

Như một nhà thơ từng nói: “Có tâm hồn nào lại không mang vết thương?”, ai cũng bị tổn thương ít nhất một lần trong đời. Ngược lại, mọi người đều làm tổn thương người khác trong suốt cuộc đời mình. Không quá lời khi nói rằng cuộc sống là một quá trình không ngừng làm tổn thương, bị tổn thương và hồi phục trong các mối quan hệ với người khác.

Rất dễ để gây ra tổn thương, nhưng để phục hồi tổn thương thì cần có thời gian và nỗ lực. Tùy thuộc vào độ sâu của vết thương mà có thể mất vài ngày hoặc vài tháng, và một số vết thương vĩnh viễn không thể chữa lành được. Nếu vết thương trở nên tồi tệ hơn, bạn có thể sẽ khép mình lại trước những người yêu quý. Vì vậy, để sống lâu dài và hạnh phúc bên những người thân yêu, chúng ta không chỉ cần luyện tập để không làm tổn thương người khác, mà còn phải tích cực chăm sóc và chữa lành vết thương của họ.

Giữ khoảng cách để không làm tổn thương

Trẻ nhỏ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chịu tổn thương hoàn toàn nếu cha mẹ làm tổn thương chúng. Cãi nhau giữa vợ và chồng, phân biệt đối xử giữa các con cái, kỷ luật và can thiệp quá mức, trút cơn giận của cha mẹ lên con cái, và so sánh với người khác khiến trẻ nhỏ bị tổn thương sâu sắc. “Con toàn làm trái ý bố/mẹ thôi.”, “Con có làm được việc gì nên hồn không thế?” Những lời nói này không chỉ gây hại cho tinh thần mà còn gây hại cho não bộ của trẻ.

Cha mẹ cũng vậy, bị đau lòng bởi con cái. Tờ Chosun Ilbo, một tờ báo của Hàn Quốc, đã khảo sát 205 người trưởng thành ở độ tuổi trung niên về “những lời nói gây tổn thương nhất từ con cái của họ”. Kết quả là, vị trí đầu tiên là “Bố (hoặc mẹ) chẳng hiểu gì cả.” Mặc dù cha mẹ bị tổn thương, nhưng họ hiếm khi bộc lộ điều đó, và vì vậy hầu hết trẻ em không biết liệu cha mẹ chúng có bị tổn thương hay không. Dầu vậy, vết thương mà họ nhận được từ đứa con yêu dấu của mình là rất đau đớn.

Giữa vợ và chồng cũng vậy. Đa số các cặp vợ chồng có xung đột gặp khó khăn trong việc khôi phục mối quan hệ do những ký ức về vết thương lòng của họ. Cảm giác cay đắng còn đọng lại trong lòng khiến nảy sinh cãi vã dù chỉ vì một vấn đề nhỏ, hằn thêm vết sẹo trong họ. Vấn đề gây ra cuộc cãi vã có thể bị quên lãng, nhưng vết thương bởi lời nói hiếm khi biến mất.

Nhà là nơi hàn gắn những vết thương trong tấm lòng và an ủi lẫn nhau, nhưng cũng có thể là nguồn gốc của những vết thương. Thế thì tại sao mọi người lại làm tổn thương những người thân của họ? Khi bạn thân thiết với ai đó, bạn chấp nhận họ như một phần của bản thân. Nói cách khác, bạn quên rằng họ là một cá thể độc lập với một cách suy nghĩ khác.

Điều này khiến bạn muốn họ hiểu ý mình ngay cả khi bạn không bộc lộ cảm xúc và muốn họ hành động như bạn mong đợi. Vậy nên đôi khi bạn nói một cách thiếu suy nghĩ hoặc thốt ra những lời khó nghe mà bạn không bao giờ làm với người khác. Kỳ vọng rằng gia đình bạn sẽ hiểu cho dù bạn có làm gì đi nữa, và sự biện minh sai lầm rằng người nhà phải chấp nhận những điều đó vì là một gia đình, khiến bạn làm tổn thương người thân của mình.

Giữ khoảng cách tâm lý là điều cần thiết để giảm thiểu số lần làm tổn thương những người thân yêu của mình. Mặc dù bạn sống với gia đình một cách cởi mở, nhưng có những lời bạn không được nói với họ và có những giới hạn bạn không được vượt qua. Điều này không có nghĩa là bạn nên giữ khoảng cách tình cảm với các thành viên trong gia đình, nhưng có nghĩa là bạn nên tôn trọng họ và thừa nhận rằng họ có quyền tự do lựa chọn. Khi bạn giữ khoảng cách tâm lý phù hợp, bạn sẽ thận trọng hơn để không làm tổn thương họ bằng lời nói và hành động của mình, thậm chí còn nghĩ cách để quan tâm đến họ hơn.

Đồng cảm với nỗi đau của người khác và xin lỗi

Thông thường, mọi người giữ ký ức về việc bị tổn thương trong một thời gian dài, nhưng họ không nhận thức được rằng họ đã làm tổn thương người khác như thế nào. Ngay cả khi bạn nhận thấy rằng bạn đã làm tổn thương người khác, bạn hiếm khi ghi nhớ điều đó. Thay vào đó, bạn biện minh cho bản thân rằng “Tôi có làm tổn thương bạn đâu”, và “Tại sao bạn lại giận dỗi về chuyện cỏn con như vậy?” hoặc thất vọng về họ mà rằng “Chuyện có thế này mà cũng không hiểu à?” Nếu bạn phàn nàn với người mà bạn đã làm tổn thương hoặc lảng tránh vấn đề này trong khi họ vẫn còn đang bực bội, đây sẽ thực sự trở thành một vấn đề. Điều quan trọng không phải là quan điểm của bạn mà là sự thật rằng người kia đã bị tổn thương.

Trên thực tế, không dễ để thừa nhận rằng bạn đã làm tổn thương cảm xúc của một ai đó. Trong trường hợp bạn không chủ đích, nếu họ không thoải mái với bạn, bạn thậm chí sẽ cảm thấy thật bất công. Tuy nhiên, nếu bạn đã làm tổn thương ai đó, dù bạn có cố tình hay không, bạn cần biết nhận lỗi và nỗ lực để khôi phục lại mối quan hệ đó. Xin lỗi là việc làm đúng đắn khi bạn làm tổn thương người khác ngay cả khi bạn không cố ý. Mối quan hệ càng thân thiết, bạn càng dễ bỏ qua vấn đề này. Khi đó, đối phương có thể sẽ khép lòng mình lại ngay.

Một lời xin lỗi chân thành sẽ chữa lành vết thương và thậm chí gây ấn tượng với người kia. Khi xin lỗi, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn thừa nhận lỗi của mình và bày tỏ nó một cách cụ thể hơn là chỉ nói rằng bạn xin lỗi. Để làm được điều này, bạn cần lắng nghe người khác một cách cẩn thận. Chỉ cần lắng nghe tâm sự của người bị thương cũng đủ để họ mở lòng từng chút một.

Ngay cả khi bị đối phương hiểu lầm, điều quan trọng là bạn nên im lặng lắng nghe đến cuối cùng chứ không phải là ngắt chuyện và kiếm cớ giữa chừng. Nếu có điều gì bạn muốn nói, chờ đến sau khi họ nói xong cũng chưa muộn. Nếu bạn chỉ chờ họ nói cho xong, nghĩ xem mình sẽ trả lời thế nào thì bạn không thể lắng nghe đúng cách. Trước hết, hãy lắng nghe một cách chăm chú.

Khi bạn để ý đến họ, bạn sẽ có thể đồng cảm và cũng hiểu được nỗi đau và nỗi khổ của họ. Mọi người sẽ mở lòng với người hoàn toàn thông cảm với nỗi đau của mình và chân thành xin lỗi vì đã làm tổn thương họ.

Sức mạnh của lời xin lỗi lớn hơn bạn nghĩ. Vết thương bị mưng mủ có thể sớm được chữa lành chỉ bằng một lời xin lỗi. Lời xin lỗi không phải là bị đánh bại, mà là một phương thuốc tuyệt vời để chữa lành vết thương sâu trong lòng, và là một hành động dũng cảm để cải thiện mối quan hệ của bạn với người mình trân quý.

Tăng cường khả năng miễn dịch của tâm hồn

Khi bị tổn thương, bạn có thể mất bình tĩnh, thậm chí là khả năng phán đoán và tự chủ. Bạn có thể bực bội và nghĩ: “Sao họ có thể làm điều này với tôi?” và trong lòng chất đầy mong muốn trả đũa để trả lại nỗi đau nhiều như những gì bạn đã phải nhận. Tuy nhiên, liệu đau khổ của bạn có biến mất không nếu bạn gây ra cho họ những việc giống như bạn đã phải chịu? Một khi bạn bắt đầu ghét ai đó, bạn sẽ không đồng tình với họ ngay cả khi họ nói đúng, và sẽ không hài lòng ngay cả khi họ làm điều tốt. Chính bạn là người có vết thương sâu hơn. Điều tồi tệ hơn là, ngay cả cơ hội khôi phục lại mối quan hệ với họ cũng sẽ ngày càng xa vời.

Không ai muốn bị tổn thương. Tuy nhiên, rất khó để đoán trước điều gì sẽ xảy ra với bạn và những gì người khác sẽ nói hoặc làm với bạn. Những gì bạn có thể làm là cố gắng tăng cường khả năng miễn dịch trước những tổn thương.

Với cùng một vấn đề, có người bị tổn thương trong khi những người khác thì không. Điều này cho thấy rằng nguyên nhân của vết thương không chỉ là bởi hoàn cảnh, lời nói và hành động cụ thể của ai đó, mà còn là trạng thái cảm xúc của người tiếp nhận tình huống đó. Nếu bạn ghi nhớ điều này, bạn có thể tự tin hơn về cách đối phó với những gì xảy ra với mình. Chấp nhận những người khác biệt với bạn như họ vốn là trong khi nghĩ rằng sẽ có lý do không thể tránh khỏi cho hành động của họ, hạ thấp kỳ vọng, suy nghĩ từ góc nhìn của người khác, kiềm chế cảm xúc và nhìn nhận tình huống một cách khách quan… tất cả những điều này đều có hiệu quả để tăng cường khả năng miễn dịch của tâm trí bạn.

Trên thực tế, những vết thương bạn phải gánh chịu trong cuộc sống hàng ngày chủ yếu đến từ những điều nhỏ nhặt mà không có ác ý hay chủ ý. Không phải vì người kia không tốt, mà vì họ không quan tâm đến bạn trong khi họ chú tâm vào cảm xúc của chính họ, hoặc vì họ có suy nghĩ và lập trường khác, hoặc vì họ không biết cách bày tỏ bản thân. Bạn không thể không đối mặt với những tình huống này khi sống chung với tất cả những người khác.

Tùy thuộc vào cách bạn chấp nhận và chữa lành, những vết thương có thể giúp bạn trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Càng trưởng thành, thái độ của bạn đối với vết thương càng trở nên linh hoạt hơn. Nếu bạn ghét ai đó thì dù bạn có làm gì đi nữa, hiệu quả công việc cũng không được cải thiện và hạnh phúc cũng mất đi. Cuộc sống của chúng ta chẳng phải là quá ngắn ngủi để dành thời gian và năng lượng cho sự căm ghét và tức giận sao? Thay vì bị tổn thương bởi những điều nhỏ nhặt, chúng ta hãy cảm ơn vì những điều nhỏ nhặt và thư giãn.

Như người ta đã nói “Đừng yêu ai cả nếu bạn không muốn bị tổn thương.”, tình yêu đi kèm với những vết thương. Tình yêu là một loại hứa hẹn rằng sẽ đón nhận không chỉ những cảm xúc tốt đẹp mà còn cả những nỗi đau. Chẳng phải người thân của bạn đã dành cho bạn tình yêu thương vô điều kiện dù chịu nhiều tổn thương đó sao? Một gia đình có sự gắn kết bền chặt sẽ không ngừng yêu thương nhau nhưng liên tục tìm cách vượt qua những tổn thương và xung đột. Khi mọi người quan tâm lẫn nhau và không ngừng bày tỏ tình yêu thương của mình, ngôi nhà của bạn sẽ trở thành nơi nương náu ấm áp nhất thế gian, nơi mọi vết thương có thể được chữa lành.