Video về một đứa trẻ bị điếc bẩm sinh lần đầu nghe thấy giọng nói của mẹ và suýt rơi nước mắt đã lan truyền chóng mặt. Lần đầu tiên nghe thấy giọng nói nhẹ nhàng của mẹ với sự hỗ trợ của máy trợ thính đặc biệt, em bé mỉm cười và cũng mếu máo đến suýt rơi nước mắt. Bé có nhớ giọng nói của mẹ mà bé đã nghe khi còn trong bụng mẹ không?
Thai nhi có thể nghe được
Cho đến cuối thế kỉ 19, người ta nghĩ rằng thai nhi không có khả năng nghe. Tuy nhiên, vào năm 1925, người ta đã chứng minh rằng thai nhi có thể nghe được khi bác sĩ người Đức Albrecht Peiper phát hiện ra rằng bào thai phản ứng với tiếng còi xe.
Vào tuần thứ 4 của thai kỳ, các bộ phận mà sẽ hình thành nên tai bắt đầu xuất hiện trên phôi thai, và tai trong1 được hoàn thiện vào tuần thứ 24. Hệ thần kinh bắt đầu phát triển trong giai đoạn đầu của bào thai, và đến tuần 34, thai nhi đã có thần kinh thính giác, có thể so sánh với thần kinh của trẻ sơ sinh.
1. Tai trong: phần trong cùng của tai. Tai trong được cấu tạo bởi ba phần: ốc tai là khu vực thính giác, các ống bán nguyệt và tiền đình cảm nhận sự cân bằng.
Khi ở trong bụng mẹ 9 tháng, thai nhi tiếp xúc với nhiều loại âm thanh bên trong cơ thể mẹ như nhịp tim, nhu động ruột và lưu lượng máu. Thai nhi cũng có thể nghe thấy nhịp tim của chính mình nhanh hơn gấp hai lần so với nhịp tim của mẹ và âm thanh chuyển động của thai nhi. Thai nhi cũng nghe thấy những âm thanh từ bên ngoài như ô tô và tiếng nhạc khi lớn lên.
Khi trẻ sơ sinh giật mình và khóc, âm thanh tĩnh từ một kênh trống trên TV sẽ giúp trẻ bình tĩnh lại và nhanh chóng ngừng khóc. Một số cha mẹ nói rằng tiếng máy hút bụi giúp con họ bình tĩnh hơn, và một số người nói rằng tiếng sột soạt của túi nhựa khiến con họ mỉm cười trở lại. Điều này là do trong khi những tiếng ồn từ bên ngoài đi qua thành tử cung và nước ối của mẹ, những tiếng ồn yên tĩnh hoặc âm thanh có âm vực cao sẽ được lọc và chỉ những âm thanh nhỏ liên tục ở tần số thấp mới được truyền đến thai nhi. Do những trải nghiệm này bên trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh quen với âm thanh thấp hơn.
Thính giác và phát triển não bộ của thai nhi
Trí thông minh được xác định tùy thuộc vào cách các khớp thần kinh phát triển công phu để kết nối các nơron trong não. Trong khoảng tháng thứ sáu của thai kỳ, sự phát triển não bộ của thai nhi tăng tốc với khoảng 60 triệu tế bào não được tạo ra mỗi ngày. Hơn 80% bộ não của thai nhi đã được hoàn thiện và thai nhi có thể nghe thấy âm thanh từ bên ngoài bụng mẹ. Và đến tháng thứ 8 của thai kỳ, những ký ức ngắn hạn bắt đầu được hình thành, thai nhi có thể phân biệt được cường độ của âm thanh. Chúng thậm chí có thể biết tâm trạng của mẹ mình bằng cách phân biệt cường độ giọng nói của mẹ. Như vậy, trong 5 giác quan, thính giác phát triển nhiều nhất trong bụng mẹ trước khi chào đời, và nó liên quan mật thiết đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
Các nhà khoa học nói rằng nhờ các kích thích giác quan khác nhau của thai nhi mà chúng nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy, cung cấp năng lượng cho sự phát triển của các tế bào não. Trong số đó, các kích thích từ thính giác chiếm hơn 80% và âm thanh hoặc âm nhạc ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể và trí thông minh của thai nhi, không chỉ là sự phát triển cảm xúc. Những âm thanh mà thai nhi trải nghiệm trong bụng mẹ trở thành kích thích đầu tiên ảnh hưởng đến các tế bào não thông qua cơ quan thính giác của thai nhi, và những âm thanh đi vào não sẽ được khắc sâu trong ký ức của chúng.
Âm thanh mà thai nhi nghe thấy nhiều nhất khi còn trong bụng mẹ là nhịp tim của mẹ. Tiến sĩ William Liley tại Đại học Auckland ở New Zealand đã có một thí nghiệm thú vị bằng cách sử dụng máy đếm nhịp. Khi các đối tượng được đưa cho một máy đếm nhịp và yêu cầu đặt nó ở nhịp mà họ thích, đáng kinh ngạc là hầu hết mọi người đều đặt nó ở 50 đến 90 lần mỗi phút. Điều này gần như khớp với nhịp tim của con người.
Lý do khiến em bé ngừng khóc khi được đặt trên ngực mẹ là do nhịp tim của người mẹ mà bé nghe được qua lồng ngực. Đây là âm thanh quen thuộc mà bé liên tục nghe thấy khi còn trong bụng mẹ. Hơn hết, nếu em bé nghe thấy giọng mẹ hát ru, em bé sẽ dễ dàng thấy thoải mái hơn.
Trong nhiều yếu tố kích thích thính giác, thai nhi thích nhất là giọng nói của mẹ. Giọng nói điềm tĩnh của mẹ là một kích thích tốt để phát triển các khớp thần kinh của thai nhi. Trẻ sơ sinh thậm chí còn chưa thể mở mắt đã thể hiện phản ứng về hướng mà giọng nói của mẹ vang lên, vì chúng nhớ giọng nói mà đã được nghe khi còn trong bụng mẹ. Nếu chúng cũng liên tục nghe thấy giọng nói của cha khi ở trong bụng mẹ, chúng cũng sẽ thể hiện phản ứng với giọng nói của cha nữa.
Trẻ sơ sinh lớn lên nhờ gắn kết với mẹ
Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu của Trường Y Stanford đã phân tích ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) của 24 trẻ em trong độ tuổi từ 7 đến 12 để xem phần nào của não bộ sẽ hoạt động khi chúng nghe thấy giọng nói của mẹ. Nhóm nghiên cứu đã ghi lại giọng nói của mẹ chúng và giọng nói của những phụ nữ xa lạ ở cùng độ tuổi, và cho trẻ nghe. Để khách quan, họ đã cho người kể chuyện nói những từ ngẫu nhiên khác với tên của con họ. Kết quả là 97% trẻ nhận ra giọng nói của mẹ trong một giây.
Phần não hoạt động tích cực nhất khi chúng nghe thấy giọng nói của mẹ là vỏ não thính giác chính và vỏ não trước trán. Khi vỏ não thính giác chính được kích thích, các khả năng như cảm xúc, kỹ năng xã hội và nhận dạng khuôn mặt được cải thiện. Vỏ não trước trán là vùng não nhận biết những thay đổi của môi trường xung quanh, giúp phản ứng với âm thanh xung quanh và tiếp nhận thông tin mới. Ngoài ra, vỏ não trước trán còn được biết là đã đóng góp vào việc cải thiện khả năng tự chủ bằng cách kiểm soát lý trí. Tác giả nghiên cứu chính, Tiến sĩ Daniel Abrams, cho biết “Tăng thời gian ở cùng với mẹ có thể giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội”.
Giọng nói của mẹ thúc đẩy quá trình tiết hormone giúp ổn định cảm xúc. Seth Pollak, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Wisconsin – Madison, đã đặt 61 bé gái từ 7 đến 12 tuổi vào một tình huống căng thẳng khi phải giải các bài toán, chúng được chia thành ba nhóm và cùng thực hiện một thí nghiệm. Nhóm đầu tiên được nói chuyện trực tiếp với mẹ trong khoảng 15 phút; nhóm thứ hai xem một bộ phim trong 60 phút sau khi đã nói chuyện điện thoại với mẹ trong khoảng 15 phút; và nhóm thứ ba chỉ xem một bộ phim trong 75 phút mà không có bất kỳ liên hệ nào với mẹ. Sau đó, ông đã theo dõi sự thay đổi của cortisol phản ứng với căng thẳng và sự thay đổi của oxytocins khiến một người cảm thấy hạnh phúc.
Theo kết quả thí nghiệm, có sự khác biệt đặc biệt giữa những đứa trẻ được trò chuyện trực tiếp hoặc gián tiếp với mẹ chúng và những đứa trẻ không trò chuyện với mẹ. Đối với những đứa trẻ nghe thấy giọng nói của mẹ, sự tiết cortisol giảm nhanh chóng trong vòng 30 phút sau khi khám và lượng oxytocins tiết ra được duy trì trong một giờ. Đối với những đứa trẻ xem phim mà không nói chuyện với mẹ, lượng hormone tiết ra vẫn giữ nguyên khi chúng bị căng thẳng. Điều này cho thấy ngay cả khi chỉ nói chuyện với mẹ mà không tiếp xúc vật lý cũng làm giảm mức độ căng thẳng. Đối với trẻ em, giọng nói của mẹ mang lại nhiều sự an ủi hơn bất cứ điều gì khác.
Trẻ sơ sinh nhớ rất rõ giọng nói nhẹ nhàng của mẹ mà chúng đã nghe được khi còn ở trong bụng mẹ. Và chúng lớn lên trong khi nghe thấy những giọng nói nhẹ nhàng. Năng lượng và sức mạnh ẩn chứa trong giọng nói của người mẹ thực sự tuyệt vời và mầu nhiệm. Giọng nói của người mẹ luôn ở bên đứa trẻ từ thuở lọt lòng, chứa đựng tình yêu thương của mẹ mà chỉ đứa trẻ mới cảm nhận được và được vỗ về.
“Hầu cho các ngươi sẽ được bú và no bởi vú của sự yên ủi nó; được vắt sữa và lấy làm vui sướng bởi sự dư dật của vinh quang nó. … Ta sẽ yên ủi các ngươi như mẹ yên ủi con, và ấy là tại trong Giêrusalem mà các ngươi sẽ được yên ủi.” Êsai 66:11-13
“Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta.” Giăng 10:27
- Tham khảo
- “Giao tiếp với thai nhi ”của Jeong Gyeong-hee và Park Hyo-mi, Sách giao tiếp, 2014
- “Giọng nói điềm tĩnh tốt cho thai nhi” của Seo Yu-heon, Donga Ilbo, 2000