
1. Mười Điều Răn và Đền Tạm
Khi Môise nhận hai bảng đá Mười Điều Răn tại trên Núi Sinai, Đức Chúa Trời đã cho ông thấy đền thánh trên trời. Khi Môise xuống núi, ông đã truyền lời của Đức Chúa Trời cho dân Ysơraên. Cần phải xây dựng một đền tạm để lưu giữ hai bảng đá Mười Điều Răn. Vì vậy, Môise kêu gọi dân chúng đem đến nguyên vật liệu để dựng đền tạm như vàng, bạc, vải lanh và bông. Dân chúng tự nguyện mang đến lễ vật mỗi ngày, và nguyên vật liệu thu thập được để xây dựng đền tạm đã dư bội phần cho mọi công việc phải làm, nên Môise cấm họ không mang thêm chi nữa hết. (Xuất Êdíptô Ký 35:4-36:7).
Bếtsalêên, Ôhôliáp và các người khôn khéo, tức là người Đức Giêhôva đã phú cho sự khôn ngoan, khéo léo và sự thông sáng đặng bắt đầu dựng đền tạm; và vào ngày mùng một tháng giêng năm thứ hai, đền tạm đã được dựng nên. Sau đó họ đặt hòm giao ước chứa hai bảng đá Mười Điều Răn ở trong Nơi Chí Thánh (Xuất Êdíptô Ký 40:1-38). Vì đền tạm được làm bằng những tấm rèm bện bằng sợi và vải gai mịn chế thật tinh xảo nên còn được gọi là “nhà lều”. Đền tạm không cố định, nhưng là loại đền thờ có thể di chuyển được; vì dân Ysơraên phải di chuyển khắp trong đồng vắng.
Sau khi vua Đavít qua đời, Salômôn trở thành vua của Ysơraên và bắt đầu xây dựng đền thờ cho Đức Giêhôva vào năm thứ 4 tại vị, theo di nguyện cuối cùng của cha mình là Đavít. Sau bảy năm sáu tháng, đền thờ đã được hoàn công và hòm giao ước được đặt cố định trong đền thánh (I Các Vua 6:1-38; II Sử Ký 5:1-7:1).
2. Cấu trúc của đền tạm
Đền tạm là đền thờ hình chữ nhật có thể di chuyển được, rộng 50 thước và dài 100 thước (※ thước: là đơn vị đo chiều dài cổ dựa trên chiều dài của cẳng tay từ khuỷu tay đến đầu ngón tay giữa, thường là 17.5 inch; chiều dài này thay đổi tùy từng nơi và tùy từng thời điểm.)
Lối vào đền tạm hướng về phía đông, và Nơi Rất Thánh – nơi có ngai của Đức Chúa Trời hướng về phía tây. Bàn thờ của lễ thiêu được đặt trước lối vào đền tạm, và thùng nước được đặt giữa cửa hội mạc và bàn thờ để các thầy tế lễ rửa tay và chân trước khi vào trong đền thờ. Vách đền thờ được chia làm phần phía trong và phần phía ngoài. Phần đền thờ phía ngoài được gọi là Nơi Thánh và phần phía trong được gọi là Nơi Rất Thánh.
Phần phía ngoài [Nơi Thánh] là bàn thờ dâng hương bằng vàng, chân đèn bằng vàng, và bàn đựng bánh trần thiết. Phần phía trong [Nơi Chí Thánh] là hòm giao ước chứa hai bảng đá Mười Điều Răn. Có một cái màn ngăn cách Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh; Cái màn chắn ngang lối vào Nơi Chí Thánh. Tuy nhiên, khi Đức Chúa Jêsus hy sinh trên thập tự giá, cái màn ngăn cách Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh bị xé ra làm hai từ trên chí dưới, và con đường đi vào Nơi Chí Thánh được mở ra. (Mathiơ 27:50–51).
3. Trái Sự Sống và Mười Điều Răn
Các thầy tế lễ dâng của lễ hy sinh lên Đức Chúa Trời trong đền thánh theo luật định. Trong số các đồ đạc trong đền thờ thì đồ đạc quan trọng nhất chính là hòm giao ước chứa hai bảng đá Mười Điều Răn. Hòm giao ước được đặt trong Nơi Rất Thánh. Không ai có thể đi vào Nơi Chí Thánh, ngoại trừ thầy tế lễ thượng phẩm; ngay cả thầy tế lễ thượng phẩm cũng chỉ được đi vào đó mỗi năm một lần, sau khi đã làm lễ chuộc tội cho mình bằng cách rảy huyết con bò tơ trong ngày lễ Chuộc Tội (Lê Vi Ký 16:6-34; Hêbơrơ 9:1-7). Nắp của hòm giao ước được gọi là nắp thi ân hoặc là ngôi thương xót. Ở trên nắp thi ân có hai chêrubim sè cánh ra che trên nắp thi ân, đối diện nhau và xây mặt vào nắp thi ân. Những chêrubim này tượng trưng cho các chêrubim canh giữ cây sự sống trong vườn Êđen. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đã ban cho người dân của Ngài Mười Điều Răn thay cho trái sự sống trong vườn Êđen. Nếu bất kỳ ai đi vào Nơi Chí Thánh, nơi có Mười Điều Răn [trái sự sống] thì người đó sẽ phải chết. Hai con trai của Arôn đã bị nuốt tiêu bởi lửa ra từ Đức Giêhôva khi chúng dâng trước mặt Ngài một thứ lửa lạ mà Ngài không phán dặn (Lê Vi Ký 10:1-2). Uxa cũng đã bị chết ngay tức khắc vì đã giơ tay lên nắm hòm giao ước của Đức Chúa Trời (II Samuên 6:6-8). Đó là vì các chêrubim bảo vệ cây sự sống trong vườn Êđen có gươm lưỡi chói lòa (Sáng Thế Ký 3:24).
4. Đền thánh dưới đất và đền thánh trên trời
Đền thánh dưới đất do Môise dựng lên là hình bóng của đền thánh trên trời nơi Đấng Christ dâng của lễ hy sinh chân thật với tư cách là Đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và người dân của Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện lên Đức Chúa Trời vào các giờ cầu nguyện hằng hiến và các ngày Sabát, lời cầu nguyện của chúng ta như khói hương thơm ngát bay lên trước Ngai của Đức Chúa Trời và được nhậm, vì Đấng Christ đóng vai trò là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trong nơi thánh trên trời. Chúng ta cũng giao thông cùng Đức Chúa Trời vào các tuần lễ cầu nguyện trong các lễ trọng thể, vì Đấng Christ cũng đóng vai trò là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và Đấng Trung Bảo trong đền thánh trên trời vào các kỳ lễ trọng thể. (Đấng trung bảo là Đấng can thiệp giữa hai bên hoặc hai người để hòa giải họ.) Đấng Christ trở thành của lễ hòa bình hòa giải chúng ta với Đức Chúa Trời. Ngài cũng lập ra Giao Ước Mới, hầu cho Ngài sẽ đóng vai trò trung bảo giữa Đức Chúa Trời và người dân của Ngài, hướng tấm lòng của Đức Chúa Trời về các con cái Ngài và tấm lòng của các con cái trở lại cùng Đức Chúa Trời. (Hêbơrơ 9:15; Rôma 3:25).
Sứ đồ Phaolô đã chép: Các lễ trọng thể của Đức Chúa Trời được giữ bởi các thánh đồ của Giao Ước Cũ trong đền thánh dưới đất được tiến hành dưới (trái) đất, và các lễ trọng thể của Giao Ước Mới được kỉ niệm bởi các thánh đồ của Giao Ước Mới được cử hành trong nơi thánh trên trời (Hêbơrơ 12:22-23). Do đó, thông qua các luật lệ của nơi thánh dưới đất, chúng ta có thể hiểu ra được nơi thánh trên trời và ý nghĩa của các kỳ lễ trọng thể được cử hành trong nơi thánh trên trời. Nếu chúng ta không hiểu được nơi thánh trên trời, thì chúng ta cũng không thể hiểu được các kỳ lễ trọng thể của Giao Ước Mới hoặc vâng giữ các kỳ lễ trọng thể ấy.
Đấng Christ, thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta vẫn đang làm công việc trung bảo trong nơi thánh trên trời. Thông qua công việc trung bảo của Đức Chúa Jêsus Christ, các lời cầu nguyện của chúng ta đến được Ngai của Đức Chúa Trời trong các giờ cầu nguyện hằng hiến, thờ phượng ngày Sabát và các kì lễ trọng thể. Chúng ta hãy dâng cảm tạ lên Đấng Christ vì công việc trung bảo của Ngài và hãy giữ các điều răn, luật pháp của Đức Chúa Trời với lòng tôn kính, hầu cho mọi tội lỗi của chúng ta có thể được tha thứ.